Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Uber đã trở thành một startup thành công hàng đầu, được định giá cao nhất thế giới. Mô hình kết nối hành khách với các lái xe chỉ thông qua ứng dụng di động của hãng đã thay đổi bộ mặt ngành taxi của cả thể giới.

xe_uber_klxj.jpg
Uber được nhiều nước chào đón, nhưng cũng không ít quốc gia "quay lưng" (Ảnh minh họa: KT)

Nhưng thời gian gần đây, danh sách những quốc gia quay lưng lại với Uber, hoặc chí ít là tìm cách quản lý chặt mô hình này ngày càng dài. Vì sao lại như vậy?

Trên thực tế, cách thức ứng xử của các nước trên thế giới đối với mô hình Uber nói riêng và taxi công nghệ nói chung đang ngày một phân nhánh. Nhiều nước vẫn chào đón Uber và coi taxi công nghệ là cơ hội để lột xác thị trường vận tải trong nước, nhưng cũng không ít quốc gia nhìn thấy những bất cập tiềm ẩn trong mô hình đó.

Nơi trải thảm….

Estonia là quốc gia đầu tiên tại châu Âu hợp pháp hóa mô hình gọi xe giá rẻ và đi chung xe kiểu Uber, trong khi Saudi Arabia công khai gọi Uber là “dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện bình đẳng giới”, khi nhiều nữ tài xế được tuyển dụng để chạy xe Uber – điều mà họ không thể làm được với taxi truyền thống.

Trong những thông cáo phát đi của mình, Uber cũng luôn khẳng định hãng được chào đón tại các thị trường đang phát triển, đặc biệt là tại châu Á. Ở khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Thái Lan là nước cấm sử dụng xe tư nhân vào mục đích thương mại, mô hình Uber/Grab đang mở rộng rất nhanh tại Singapore, Indonesia, Myanmar, Việt Nam…

Và tất nhiên, Mỹ vẫn là thị trường màu mỡ bậc nhất của Uber. Tổng cộng đang có hơn 327.000 tài xế Uber đang hoạt động, nhiều hơn gấp đôi so với cuối năm 2014. Năm 2016, doanh thu của hãng là 6,5 tỷ USD và ghi nhận lượt đặt xe tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Trung Quốc lại là một trường hợp khá đặc biệt. Nước này thậm chí rất chào đón mô hình taxi công nghệ, với sự nổi lên của 4 thương hiệu lớn là Uber Trung Quốc, Didi Chuxing, Ucar và Idao Yongche, cạnh tranh quyết liệt và đè bẹp taxi truyền thống. Trong giai đoạn hoàng kim năm 2015, một tài xế Uber có thể bỏ túi tới 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng/tháng).

Chỉ có điều, đến tháng 10/2016, Uber đã bất ngờ tuyên bố bán lại cho Didi Chuxing, rút khỏi thị trường này vì không thể cạnh tranh được về giá.

…nơi coi là kẻ bất công

Hansu Kim là một một nhà tư vấn công nghệ lâu năm, người đã góp phần đưa các công nghệ mới như camera back-seat vào xe taxi. Vài năm trước, Kim mua lại hãng taxi lớn thứ 3 San Francisco là DeSoto. Và cũng thời điểm đó, “cơn bão” công nghệ đặt xe giá rẻ ập tới nơi anh sinh sống.

“Ngành công nghiệp taxi đang gặp khủng hoảng”, Kim nói thêm, “không phải bởi vì chúng tôi bị đánh bại bởi công nghệ mà bởi vì chúng tôi phải cạnh tranh với những người không chơi theo luật lệ”.

Kim bức xúc cho rằng các công ty taxi như anh bị áp đặt các khung luật lệ cố định như bằng lái của tài xế, bảo hiểm thương mại cho cả hành khách và tài xế, sân bãi, công tơ tính tiền, phí bảo dưỡng…còn Uber thì không bị áp dụng các luật lệ nào nói trên.

Hầu hết các cuộc biểu tình của nghiệp đoàn hay hãng taxi truyền thống trên thế giới nhằm vào Uber và các ứng dụng gọi xe tương tự đều xoay quanh điều mà Kim phản ánh: Sự bất công trong chính sách quản lý đối với hai mô hình.

Từ Mỹ và Australia, làn sóng phản đối lan rất nhanh sang các quốc gia châu Âu như Italia, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Bungary, Hungary, Bỉ, những quốc gia mà quy trình sát hạch tài xế taxi bị cho là “khó bậc nhất thế giới”.

Hiệp hội Taxi các quốc gia Châu Âu cũng yêu cầu Tòa án Tư pháp Châu Âu phải phân loại rõ chức năng của Uber là công ty công nghệ hay công ty vận tải?

Nếu Tòa án Tư pháp Châu Âu phán quyết Uber là công ty vận tải, hãng đặt xe kiểu Mỹ này phải buộc tuân thủ đầy đủ các luật lệ của một công ty kinh doanh vận tải trên toàn lãnh thổ Châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc Uber phải sở hữu giấy phép, luật lao động, bảo hiểm và các điều kiện kinh doanh khác của một hãng taxi.

Trong trường hợp đó, các ưu thế về giá của Uber so với taxi truyền thống sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Với những diễn biến hiện tại, có thể thấy câu chuyện Uber/Grab sẽ vẫn còn rất nóng trong thời gian tới, khi mà những câu hỏi lớn như điều kiện cạnh tranh bình đẳng và nên coi Uber là dịch vụ vận tải hay công nghệ vẫn chưa có lời giải đáp.

Bình luận về vấn đề này, Bloomberg cho rằng, thị trường càng nhiều đối thủ và sự cạnh tranh càng lành mạnh thì người dùng càng được hưởng lợi. Trách nhiệm của cơ quan quản lý các nước là làm sao đảm bảo cho sự cạnh tranh đó được duy trì để thị trường phát triển bền vững./.