Hôm nay (22/8), tại Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế tổ chức hội thảo “Hội nhập kinh tế Đông Á và hàm ý cho doanh nghiệp Việt Nam”. 

Hội thảo nhằm phân tích những cơ hội và thách thức của hội nhập đối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề ra những gợi ý chính sách đối với Chính phủ và doanh nghiệp để Việt Nam hội nhập vào khu vực một cách hiệu quả.

hoi_nghi_kinh_te_pdei.jpg
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Cơ chế hội nhập kinh tế Đông Á là một cơ chế hợp tác đa phương mang tính khu vực giữa ASEAN và 3 quốc gia ở Đông Bắc Á (ASEAN + 3) nhằm xây dựng Cộng đồng Đông Á và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nước ASEAN + 3 đều là các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam. Việt Nam luôn nhập siêu với ASEAN + 3 và là nước tiếp nhận đầu tư từ các nước này.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc hội nhập thương mại đã thúc đẩy đầu tư sản xuất, mở rộng mạng lưới, quy mô sản xuất của các nền kinh tế phát triển trong khu vực sang các thị trường tiềm năng như Việt Nam, thể hiện ở chỉ số thương mại nội ngành cao với các mặt hàng dệt may, điện tử. 

Tuy nhiên, tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam – ASEAN + 3 và thương mại nội khối đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có đủ điều kiện để tham gia vào các vị trí cao hơn trong mạng, chuỗi sản xuất.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Thu phân tích: Về thương mại, chúng ta xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và trong đầu tư hay mạng sản xuất thì chúng ta cũng tham gia vào những công đoạn mang tính lắp ráp và tận dụng tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ.

Để có thể công nghiệp hóa, tiến cao hơn trong các bước phát triển thì rõ rang là chúng ta cần phải nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào các công đoạn của mạng sản xuất. Điều kiện để chúng ta có thể nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu cũng như tham gia sâu hơn vào công đoạn của mạng sản xuất thì đến nay có hai điều kiện chúng ta vẫn đang yếu, điều kiện thứ nhất là về nguồn nhân lực, năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp trong khu vực. Điều kiện thứ 2 là về công nghệ thì hiện nay chỉ số xếp hạng về công nghệ của chúng ta cũng tương đối thấp.

Theo các chuyên gia, hội nhập kinh tế Đông Á sẽ mở ra các cơ hội về đa dạng hóa hợp tác và đầu tư, tận dụng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất của ASEAN, tập trung vào một số ngành mới như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công trình xanh, giáo dục…

Tuy nhiên, quá trình hội nhập vào ASEAN + 3 cũng đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam những thách thức không nhỏ, trong đó, việc cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa của các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, hay các hàng rào kỹ thuật cao của Nhật Bản và Hàn Quốc…vẫn là những trở ngại đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Để vượt qua những khó khăn và tận dụng được cơ hội lớn từ việc hội nhập này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm vững các cam kết và những điều kiện thay đổi cho kinh doanh của mình, thí dụ như: yêu cầu về thương hiệu, quy tắc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện lao động… Khi biết các điều kiện đó rồi thì nên tái cấu trúc lại việc kinh doanh của mình để tìm các mặt hang có thị trường.

Thứ 3, các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia vào chuỗi giá trị, tìm một đối tác ở nước ngoài và ký hợp đồng dài hạn với họ để có thể xuất khẩu những mặt hang mà họ chắc chắn sẽ tiếp nhận. Cuối cùng, doanh nghiệp phải xây dựng tầm nhìn và chiến lược đầu tư và nguồn nhân lực và khoa học công nghệ./.