Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dữ liệu về cơ cấu tiền tệ của dự trữ ngoại tệ chính thức (COFER). Theo đó, tỷ lệ đồng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng từ 2,2% của 3 tháng trước đó lên 2,45% trong quý đầu tiên của năm 2021.

Số liệu cho thấy, tổng dự trữ ngoại tệ của đồng Nhân dân tệ (CNY) đã tăng từ 269,49 tỷ USD trong quý IV/2020 lên 287,46 tỷ USD trong quý I/2021, đạt mức tăng trưởng 9 quý liên tiếp. IMF bắt đầu theo dõi tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng Nhân dân tệ vào năm 2017.

Dữ liệu của IMF còn cho thấy, đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền được các Ngân hàng Trung ương toàn cầu nắm giữ rộng rãi nhất, lên tới 59,54%, tiếp theo là đồng Euro 20,57% và đồng Yen 5,89%.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley từng dự báo vào tháng 9/2020 rằng, đồng Nhân dân tệ sẽ chiếm 5-10% dự trữ ngoại hối toàn cầu vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc trong tương lai tỷ lệ dự trữ của đồng Nhân dân tệ có thể đứng sau USD và đồng Euro.

Kinh tế tiếp tục phục hồi, thặng dư tài khoản vãng lai và việc trái phiếu chính phủ của Trung Quốc sẽ được bổ sung vào Chỉ số Trái phiếu chính phủ Thế giới (WGBI) vào tháng 10/2021, là những yếu tố giúp đồng Nhân dân tệ ổn định và thu hút dòng vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, tính quốc tế hóa thực sự của Nhân dân tệ còn phụ thuộc vào tần suất mà đồng tiền này được sử dụng trên thị trường quốc tế. Dữ liệu mới nhất do Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) công bố cho thấy, Nhân dân tệ là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 5 trong các khoản thanh toán toàn cầu dựa trên giá trị trong tháng 5/2021, chiếm 1,9%./.