Khoai lang Tuy Đức là sản phẩm của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền, hàng năm đem lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Tuy vậy, sản phẩm này đang rớt giá rất mạnh, từ 9 triệu đồng/tấn hồi đầu vụ xuống còn dưới 5 triệu đồng/tấn. Tư thương ép giá khoai lang với lý do Nhà nước đánh thuế cao, còn nông dân hoang mang, bức xúc.

khoalang.jpg
hu hoạch khoai lang ở Tuy Đức (Ảnh: Báo Đăc Nông).

Mang mấy tấn khoai đi bán, anh Phạm Quốc Hưng, ở thôn 4, xã Đắc Rtích, huyện Tuy Đức, than thở: “Trồng khoai ra đến lúc thu hoạch rồi, nhưng bán sản phẩm cho các thương lái đã bị ép giá thu mua xuống rất thấp. Nếu mang khoai đi nơi khác bán cũng bị đánh thuế ở dọc đường”.

Bà Duyên Lam, người mua gom khoai về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, đổ lỗi cho việc thu thuế khiến bà và giới tư thương hạn chế thu mua, khiến giá khoai xuống thấp. Bà Lam giải thích: “Nếu xe hàng 10 tấn trị giá là 90 triệu đồng tiền vốn, mà đi tới trạm Cây Chanh của tỉnh Đắc Nông thì thuế vụ bắt đóng thuế 5%, hết 4,5 triệu đồng/xe, tính ra tôi không có lời. Bây giờ phải kêu xe đi trốn chui trốn lủi, nếu có mất chỉ mất 1 chuyến đó. Còn người dân sẽ mất nhiều, vì đến mùa thu hoạch mà không có ai thu mua, nếu để trong vòng 2-3 ngày là khoai thối rồi”.

Đóng thuế như bà Duyên Lam, cũng chỉ hết 450.000 đồng/tấn, nhưng những người mua gom lại viện cớ này để bớt giá mua vào tới 4 triệu đồng/tấn, gấp 9 lần chi phí thuế.

Về sự việc này, ông Nguyễn Quốc Phong, Chi cục phó Chi cục thuế huyện Tuy Đức, khẳng định: không có việc thu thuế đối với nông dân trực tiếp sản xuất đem nông sản đi bán. Nhà nước chỉ thu thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm tham gia kinh doanh thương mại. Lực lượng chức năng chỉ kiểm tra, truy thu thuế đối với hàng hóa vận chuyển trên quốc lộ ra khỏi tỉnh. Người dân chưa hiểu rõ chính sách thuế, nên bị tư thương lợi dụng, ép giá trục lợi.

Theo ông Nguyễn Quốc Phong, nếu bà con tự gom khoai đem bán thì cần đến cơ quan thuế kê khai để hưởng mức thấp nhất. Nếu một người dân buôn chuyến như vậy mà phải đóng thuế 5% thì sẽ không thể đóng nổi. 5% đó chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp hoặc các hộ hạch toán theo phương pháp khấu trừ, tức là hóa đơn có đầu ra đầu vào; còn lại là thu thuế theo tỷ lệ giá trị gia tăng 0,7% và tỷ lệ của thuế thu nhập cá nhân là 0,5%, tổng cộng là 1,2%.

Theo ông Nguyễn Xuân Thà, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Tuy Đức, năm nào khi vào chính vụ thu hoạch, giá khoai lang tại Tuy Đức cũng bị ép xuống thê thảm, có năm chỉ còn 3.000 đồng/kg. Những tư thương buôn bán gian dối, trốn được thuế có lúc mua khoai với giá cao hơn vài trăm đồng mỗi kg, khi lượng khoai thu hoạch nhiều lại ép giá xuống rất thấp.

Do vậy, ông Nguyễn Xuân Thà đề nghị: “Những trường hợp cứ mua bán kiểu đó, đề nghị ngành công an phải xử lý. Khi kiểm tra mà không có đăng ký, bắt giữ xe luôn. Nếu không, họ tung giá lên, giá xuống bất kỳ lúc nào khiến dân hoang mang”.

Vụ này, diện tích khoai lang ở Tuy Đức khoảng 2.200 ha, năng suất trung bình 12 tấn/ha, tương đương sản lượng 26.000 tấn. Đặc thù của loại khoai này là phải tiêu thụ trong vòng vài ngày sau khi thu hoạch, nếu không khoai sẽ bị giảm chất lượng. Hàng chục nghìn tấn khoai chỉ thu hoạch tập trung trong khoảng 2 tháng chính vụ đã tạo ra áp lực lên khâu tiêu thụ sản phẩm, và cũng là cơ hội để tư thương ép giá nông dân./.