Ngày 11/2 vừa qua, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng…
Thực tiễn cho thấy, có không ít doanh nghiệp tư nhân quan tâm đến đầu tư hạ tầng phát triển năng lượng tái tạo. Thế nhưng, hành lang pháp lý, quy định cụ thể trong truyền tải điện còn nhiều vướng mắc khiến họ chưa dám “dấn thân” đầu tư.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này được phép đầu tư hạ tầng truyền tải lưới điện quốc gia, chia sẻ: “Nghị quyết 55 xoay quanh vấn đề năng lượng trong đó có hai điểm mà những đơn vị tư nhân như chúng tôi rất mong đợi. Một là khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia và thứ hai là xóa bỏ độc quyền, rào cản để tư nhân tham gia vào mảng năng lượng, trong đó có truyền tải”.
“Đối với doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi, dòng tiền là máu. Dòng tiền ổn thì mới duy trì tốt hoạt động kinh doanh, mỗi quyết định đầu tư đều liên quan đến sống còn. Đầu tư đường dây truyền tải đầu tiên và duy nhất được Chính phủ cho phép, đây là động lực cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia”, ông Tiến khẳng định.
Song, theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, hiện Nghị quyết 55 mới có thể khai thông được một phần rất nhỏ. Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đầu tư, nhưng họ cần có một cơ chế hoạt động rõ ràng, quy định cụ thể trong hạ tầng truyền tải điện khu vực nào tư nhân được đầu tư.
“Về hệ thống đấu nối lên truyền tải điện quốc gia, Tập đoàn Trung Nam đã đầu tư một trạm. Tuy nhiên vẫn cần thêm một trạm nữa để có thể đưa phần năng lượng tái tạo đã sản xuất ra lên lưới điện. Doanh nghiệp khác có thể đầu tư, nhưng chưa có quy định hay quy hoạch rõ ràng chỗ nào được phép đầu tư, làm sao họ dám bỏ tiền. Mình Trung Nam làm không nổi”, ông Tiến nói.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển năng lượng tái tạo, nhưng đang thiếu cơ chế để họ tham gia. |
Ngoài ra, ông Tiến cũng kiến nghị cần có cơ chế giá để doanh nghiệp có thể bỏ vốn và mời gọi ngân hàng tài trợ, bởi ngân hàng tài trợ thì đòi hỏi phải có đầu ra tài chính. Trong khi ở đây đầu ra (đấu nối lên hệ thống truyền tải điện quốc gia) chưa có thì không làm được.
“Chúng tôi muốn Bộ Công thương, EVN phải có cơ chế thúc đẩy việc này, dù biết rằng đây không phải việc một sớm một chiều”, ông Tiến nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật công nghiệp Á Châu, một trong những công ty hàng đầu trong nước sản xuất thiết bị hệ thống điện, cho rằng, với sự thay đổi của công nghệ, việc hướng tới các nguồn năng lượng sạch là xu thế tất yếu của thế giới hiện nay.
Doanh nghiệp Việt có thể ứng dụng được công nghệ mới, tuy nhiên, công nghệ lõi, công nghệ nguồn hiện vẫn thuộc các hãng hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, ngành công nghiệp phụ trợ trong nước cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp, đặc biệt là phục vụ cho ngành điện.
“Chúng tôi rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước ngành đặc thù như chúng tôi, như cơ chế huy động vốn, tài chính, thuế…”, ông Thắng bày tỏ.
Ông Lê Duy Hải, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đánh giá, trong khoảng hai năm trở lại đây, cũng như trong thời gian tới, năng lượng tái tạo nổi lên như một động lực chính, trong đầu tư tăng trưởng mạnh của ngành. Tuy nhiên, khi tiến hành thẩm định, nghiên cứu đầu tư, ngân hàng nhận thấy một số dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro, khó kêu gọi vay vốn.
Mạng lưới, hạ tầng đấu nối bao gồm đường dây, trạm biến áp chưa đồng bộ, cho nên nhiều dự án không phát được đầy đủ công suất đầy đủ lên mạng lưới điện quốc gia. Tiến độ dự án rất gấp để kịp thời điểm áp dụng giá ưu đãi, với điện mặt trời là 30/6/2019 hay mốc ngày 1/11/2021 đối với điện gió.
“Nếu dự án vận hành thương mại sau thời điểm này rủi ro rất lớn, khi áp dụng giá ưu đãi và cố định”, ông Hải nhấn mạnh.
Như vậy, ngành điện và cơ quan chức năng cần có cơ chế cụ thể và dài hạn hơn để có thể khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân dám “dấn thân” hơn với các dự án năng lượng tái tạo./.