Văn bản về việc quy phạm hành vi kiếm lời từ phát trực tiếp (livestream) trên nền tảng mạng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành này vừa được Cơ quan quản lý không gian mạng, Tổng cục Thuế vụ Quốc gia và Tổng cục Giám sát Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc phối hợp ban hành.
Theo đó, các cơ quan này sẽ truy quét tội phạm trốn thuế trong ngành công nghiệp phát trực tiếp đang bùng nổ và sẽ bắt đầu yêu cầu các nền tảng trực tuyến báo cáo danh tính, thu nhập và lợi nhuận của những người phát trực tiếp 6 tháng một lần.
Theo văn bản mới, những người phát trực tiếp và các nền tảng mạng phải cạnh tranh công bằng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý về việc nộp thuế. Văn bản nêu rõ: “Trong những năm gần đây, phát trực tiếp đã óng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc làm linh hoạt và phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, hành vi thu lợi qua phát trực tiếp cũng tồn tại những vấn đề, như trách nhiệm quản lý của nền tảng phát trực tuyến chưa đầy đủ, hành vi tiếp thị thương mại không quy chuẩn, trốn thuế, làm hạn chế sự phát triển lành mạnh của ngành và làm tổn hại đến công bằng xã hội.”
Phát trực tiếp đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, với hàng triệu người có ảnh hưởng đang hoạt động trên các kênh như Douyin, TikTok, Kuaishou và các nền tảng video ngắn khác, nơi họ có thể chia sẻ về các chủ đề như lối sống, ẩm thực, trò chơi và du lịch.
Các nhà quản lý Trung Quốc đã nhắm vào một số nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực này để chấn chỉnh hành vi trốn thuế, đặc biệt là một số người bán hàng trực tuyến thông qua phát trực tiếp.
Hồi tháng 12/2021, Vi Á, còn lại là Viya, tên thật là Hoàng Vi, người được mệnh danh là “nữ hoàng livestream” của Trung Quốc đã bị phạt số tiền lên tới 1,34 tỷ nhân dân tệ (hơn 210 triệu USD) vì tội trốn thuế. Cô bị cáo buộc che giấu thu nhập cá nhân và nhiều tội danh khác trong giai đoạn 2019-2020.
Đầu tháng này, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc cũng cảnh báo rằng họ sẽ nhắm mục tiêu vào các công ty quản lý những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để chấn chỉnh như một phần của chiến dịch “làm sạch không gian mạng” gồm 10 điểm trong năm nay.
Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc định giá ngành công nghiệp phát trực tiếp của nước này tương đương khoảng 30 tỷ USD vào năm 2020.
Trong khi đó, theo báo cáo về sự phát triển internet của Trung Quốc do Trung tâm Thông tin Mạng Internet nước này công bố, số người sử dụng hình thức phát trực tiếp ở Trung Quốc đã đạt 617 triệu vào năm 2020 và tăng lên 703 triệu người vào năm 2021.
Còn theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC), năm 2020, số lượng người dùng phát trực tiếp trong thương mại điện tử ở Trung Quốc là 388 triệu và con số này đã tăng lên 464 triệu vào năm 2021./.