1_trong_dua_lua_nhat_deeh.jpg
Trần Phương Tùng (21 tuổi) học Quản trị kinh doanh tại Mỹ nhưng anh lại quyết định quay trở về Việt Nam lập nghiệp với giống dưa lưới Ichiba Nhật Bản.
Giữa năm 2017, Tùng mượn đất của mẹ ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) đầu tư 4.000 m2 nhà vườn trồng dưa lưới Nhật, với mức vốn ban đầu 3,5 tỷ đồng.
Thời gian đầu, hơn 30% số quả dưa lưới khi chín bị hỏng do chăm sóc chưa đạt chuẩn. Hiện, nhà vườn của Tùng có bảy nhà màng với số lượng khoảng 8.000 gốc dưa.
"Một cây từ lúc ươm mầm đến lúc thu hoạch là 75 ngày rồi chết đi. Cứ khoảng chục ngày mình thu hoạch một đợt được 1,5 tấn dưa hoặc khi nào có khách mua nhiều thì cũng hái", Tùng cho biết.
Hái giống dưa lưới Nhật phải luôn phải nhẹ nhàng, trái được cắt thừa một phần cuống rồi khẽ đặt xuống đất theo hàng dọc để không bị dập.
Trước khi giao cho thương lái, dưa được cắt ra để thử độ ngọt. Nếu độ ngọt đạt 11 mới bán ra thị trường. Trung bình, quả dưa Nhật bảo quản khoảng nửa tháng trong nhiệt độ thường và cả tháng nếu để ở tủ lạnh.
Công việc thu hoạch dưa lưới diễn ra chỉ trong khoảng hai tiếng đồng hồ.
Dưa lưới thu hoạch được cân trọng lượng, bao bọc, phân thành hai loại. Loại một được bán giá sỉ 60.000 đồng một kg. Mỗi tháng, nhà vườn thu được khoảng 4,5 tấn dưa, trừ hết chi phí, lợi nhuận thu được gần 100 triệu đồng.
Dưa sau khi đã thu hoạch, số giá thể thừa không được tái sử dụng do giảm dinh dưỡng và nhằm ngăn sâu bệnh cho lứa sau. Giá thể đã trồng được bán cho nông dân trồng rau trong vùng.
Theo người trồng, khi mọc tự nhiên dưa lưới có thể cho ra 20 trái. Tuy nhiên trồng công nghệ cao, nhà vườn khống chế cho mỗi cây chỉ có một trái phát triển.
Trái non bị cắt đi thường được tận dụng để làm muối chua hoặc chế biến thành món ăn./.