Trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về kế hoạch trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện, Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, việc triển khai trồng rừng thay thế đến nay tiến triển chậm và đạt kết quả thấp, trong khi đã có chủ trương, có sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ và các bộ, ngành và được bố trí cơ bản về nguồn lực mà tiến độ, kết quả triển khai lại không đạt như mong đợi.
Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, sở dĩ đến nay, các dự án trồng rừng ở các dự án thủy điện còn chậm do thực tế có một số các doanh nghiệp báo cáo, trước đây khi xét duyệt dự án thủy điện, thủy lợi không nhắc đến chuyện trồng rừng thay thế. Điều này dẫn đến việc hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn triển khai trồng rừng thay thế nhưng cũng không có tiền để thực hiện.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thực tế, một số dự án thủy điện đã được phê duyệt ở giai đoạn trước khi Quốc hội rà soát, siết chặt vấn đề trồng rừng thay thế. Điều này cũng dẫn đến có độ “vênh” về số liệu trong việc xét duyệt các dự án thủy điện phải thực hiện trồng bù thay thế rừng.
“Để thực hiện đúng kế hoạch đề ra, hiện nay Bộ NN&PTNT đang tiến hành khắc phục và đề nghị các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo đúng luật trong việc thực hiện trồng rừng thay thế. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng thời hạn sẽ bị rút giấy phép hoạt động”, Bộ trưởng Cao Đức phát đưa ra giải pháp.
Hai Bộ sẽ xem xét lại số liệu thống kê sai lệch
Cũng liên quan đến vấn đề trồng rừng thay thế, Đại biểu Trương Văn Vở (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ về số liệu chênh lệch lớn trong thống kê diện tích cần trồng rừng thay thế liên quan đến các dự án thủy điện.
Theo Đại biểu Trương Văn Vở, báo cáo số liệu của Bộ NN&PTNT, diện tích phải trồng bù rừng thay thế tại các dự án thủy điện là hơn 21.000 ha nhưng Bộ Công Thương xác định diện tích này chỉ chiếm 18.000 ha là những số liệu chênh lệch lớn, và đòi hỏi một số liệu chính xác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát làm rõ một số vấn đề về công tác trồng bù rừng thay thế tại phiên chất vấn sáng 16/11. |
“Những con số có thể vênh nhau do thời điểm thống kê, nhưng về cơ bản, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo chi tiết diện tích rừng trồng bù của từng dự án, từng địa phương và đã được rà soát rất kỹ. Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT cũng sẽ cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp rà soát lại để có con số thống kê chính xác nhất”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Với chất vấn của Đại biểu Trương Văn Vở về cam kết thực hiện tiến độ trồng rừng thay thế trong năm 2016 của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Quốc hội đã cho phép thực hiện việc trồng rừng thay thế đến năm 2016. Riêng trong 2 năm vừa qua, sau khi được Quốc hội quan tâm và bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác trồng rừng thay thế đã có những chuyển biết tích cực. Nhiều khả năng hết năm 2015, việc trồng rừng thay thế tại các dự án đã lấy để làm thủy điện có thể đạt được kế hoạch đề ra, quá trình này khi đã vào guồng chắc chắn sẽ được thực hiện nghiêm túc.
Liên quan đến phạm vi của Bộ Công Thương, trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu về công tác trồng bù rừng thay thế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng nhận định, với sự cố gắng của các địa phương và các chủ đầu tư các dự án, công trình trong đó có các công trình thủy điện, năm 2015 chúng ta khả năng sẽ hoàn thành được kế hoạch do Tổng cục Lâm nghiệp của Bộ NN&PTNT đề ra. Năm 2016, với các diện tích đất rừng đã được chuyển đổi phục vụ cho các công trình thủy điện cũng sẽ được hoàn thành việc trồng bù rừng thay thế.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để giải quyết các trường hợp chưa thực hiện các phương án trồng bù rừng, Bộ Công Thương có đề ra 3 phương án đối với Chính phủ. Cụ thể, với các dự án trong lĩnh vực thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án trồng bù diện tích rừng thay thế sẽ được ngành công thương tiếp tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Mặt khác, ngành công thương sẽ đôn đốc các chủ đầu tư này phải hoàn thành tiến độ trồng bù diện tích rừng thay thế theo đúng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không hoàn thành sẽ bị xử lý theo đúng chế tài đã được quy định.
Đối với những dự án đang chờ phương án trồng bù diện tích rừng thay thế, Bộ Công Thương sẽ tạm thời cấp giấy phép hoạt động điện lực trong 1 năm. Sau 1 năm nếu phương án trồng bù rừng đã được phê duyệt, các chủ đầu tư không thực hiện cũng sẽ bị xử lý vi phạm.
Đối với những chủ dự án đã có phương án được phê duyệt nhưng không thực hiện do khuyết điểm và trách nhiệm của chủ dự án, Bộ Công Thương sẽ xử lý bằng cách tạm thời ngừng cấp giấy phép hoặc rút giấy phép hoạt động điện lực cho đến khi khắc phục được tình trạng này.
Về chênh lệch số liệu diện tích trồng rừng thay thế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng có thể thời điểm thống kê của hai ngành khác nhau, hoặc do một số công trình kết hợp giữa thủy lợi và thủy điện nhưng thủy điện là chính, thủy điện là hỗ trợ nên diện tích rừng được tính vào công trình thủy lợi mà không tính hoặc tính rất ít vào công trình thủy điện.
“Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để đảm bảo các con số báo cáo chính xác và phù hợp, đúng với thực tế. Ở đây không có ý gì khi có sai lệch về diện tích đất trồng rừng thay thế”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói./.