Trong bài viết “Triển vọng hợp tác kinh tế ASEAN-Iran”, Thông tấn xã Iran (IRNA) cho biết, nước này có cơ hội được hưởng lợi từ các cường quốc kinh tế thứ năm trên thế giới khi gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC). Việc mở rộng quan hệ với các nước châu Á phù hợp với chính sách hướng Đông của Iran và nhằm tiếp cận chiến lược tập trung vào ASEAN cũng như mở rộng hợp tác kinh tế. Iran có thể phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường xuất khẩu sang các nước ASEAN, đồng thời có thể cung cấp cho khu vực này các nguồn năng lượng mà họ cần. Dự kiến, việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ mở đường cho việc cải thiện hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN và Iran hơn.
Iran thấy rằng ASEAN luôn mở rộng hợp tác, cải thiện quan hệ văn hóa - xã hội giữa các quốc gia thành viên cũng như việc chỉ định các chiến lược để giải quyết các vấn đề khu vực. Thương mại khu vực giữa các quốc gia thành viên ASEAN ở mức 10-15% trong những năm 1970, tăng lên 25% vào giữa những năm 2000. Tăng trưởng GDP của các quốc gia thành viên khoảng 5% từ năm 2016 đến 2019, trong khi chỉ số này là 2,7% ở Liên minh châu Âu và 2,9% ở Mỹ.
Mô hình thương mại nội khối ASEAN thành công và được coi là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới cũng như sẽ chiếm vị trí thứ tư vào năm 2030. Các quốc gia thành viên của ASEAN có hơn 650 triệu dân, là một trong những thị trường quan trọng nhất trên quy mô toàn cầu.
ASEAN luôn hoan nghênh hợp tác với các cường quốc kinh tế khác. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của khu vực Đông Nam Á trong hai thập kỷ qua giúp tăng cường đầu tư, cải thiện cơ hội việc làm cũng như thúc đẩy truyền thông, đổi mới và ổn định chính trị./.