Thời gian gần đây, ở tỉnh Bình Thuận xảy ra nhiều vụ tranh chấp ngư trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên biển. Đâu là nguyên nhân và làm thế nào để giải quyết căn bản tình trạng này?
Chỉ trong tháng 9 vừa qua, trên vùng biển Bình Thuận xảy ra 2 vụ tranh chấp ngư trường nghiêm trọng. Nổi cộm nhất là vụ va chạm giữa 2 nhóm tàu cá của thị xã La Gi và huyện Tuy Phong tại khu vực Hòn Lao - Mũi Né vào ngày 25/9. Hậu quả là 5 tàu cá bị hư hỏng, 4 thuyền viên rơi xuống biển sau nhiều giờ mới được cứu lên. Trong đó, tàu cá BTh 98199 của ngư dân Phạm Bá Quang (trú tại La Gi) bị đâm chìm, thiệt hại không nhỏ về tài sản.
Ngồi bên chiếc tàu gỗ không còn lành lặn vừa được trục vớt, ngư dân Phạm Bá Quang tiếc rẻ: “Thuyền của em bị đâm sứt, rớt cả một bo lái, từ cabin trở về sau tàu mất toàn bộ hết. Giàn nghề của em 15.000 con ốc không có lấy được cái gì hết. Trong đó có 2 tấn mực trên ghe em đã làm 10 ngày rồi, mới lấy thêm đá, thêm 600 lít dầu nữa. Tất cả đều mất trắng hết”.
Điều lo ngại là, gần đây, tranh chấp ngư trường càng lúc càng phức tạp, chủ yếu giữa các tàu hành nghề giã cào bay và các thuyền khai thác gần bờ. Các thuyền viên tỏ ra manh động, sẵn sàng điều khiển phương tiện đâm chìm ghe tàu lẫn nhau, thậm chí sử dụng cả hung khí và chất nổ để giải quyết tranh chấp - việc mà cách đây hơn chục năm hiếm thấy xảy ra trên vùng biển Bình Thuận.
Ông Nguyễn Nhé, ngư dân thành phố Phan Thiết chia sẻ: “Cách đây trên 10 năm, lâu lâu cũng xảy ra trường hợp xô xát với nhau để tranh giành cuộc sống, tranh giành miếng ăn. Nhưng không đến nỗi đâm hư tài sản hoặc là chết người”.
Theo các nhà quản lý cũng như ngư dân, các vụ tranh chấp trên biển như thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một là do ngư trường ngày càng cạn kiệt buộc các tàu cá phải tranh giành vị trí khai thác. Hai là do người lao động biển không còn giữ được nếp ứng xử văn hóa truyền thống như ngày xưa.
Ông Trần Cảnh – người có gần 40 năm làm nghề đánh bắt hải sản ở thành phố Phan Thiết cho rằng, bây giờ người đông, ghe tàu đông nhưng hải sản tôm cá thì ít, phải tranh chấp với nhau để khai thác để kiếm đời sống nên việc phải va chạm là điều khó tránh khỏi.
Còn lão ngư Đặng Châu, năm nay hơn 70 tuổi, phân tích: “Nói chung thời trước người lớn tuổi, người ta cũng trầm tính hơn. Bây giờ thanh niên sự hiểu biết cũng chưa bằng người hồi xưa. Rồi hễ đụng nhau, sẵn có ba cái điện đàm gọi, gặp mấy cái ông bạn cũng nóng tính, hung dữ, thành ra nó gây ra những chuyện xảy ra to lớn ở ngoài biển”.
Cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời để xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ tranh chấp. Trên thực tế, Biên phòng tỉnh Bình Thuận là cơ quan trực tiếp xử lý những vụ việc liên quan. Nhưng khi sự việc xảy ra, các đồn Biên phòng ở khu vực gần nhất lại thiếu phương tiện để tiếp cận. Trong cả tuyến chỉ vài đồn được trang bị ca nô, và ca nô hiện có công suất quá nhỏ chỉ vài chục mã lực, nên không thể nào đảm bảo cho hoạt động này.
Vấn đề then chốt nhất để giải quyết tình trạng này chính là cơ chế quản lý các ngành nghề đánh bắt hải sản. Một khi sắp xếp hợp lý sẽ hạn chế được các mâu thuẫn xảy ra do lợi ích của mỗi cá nhân.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc tổ chức phân bổ nghề nghiệp khai thác đối với các địa phương cần phải có những giải pháp chặt chẽ hơn. Bình Thuận cũng đang triển khai và Trung ương đã có chỉ đạo trong tái cơ cấu ngành nghề khai thác từng bước, sắp xếp lại ngành nghề cho hợp lý hơn. Nếu đảm bảo việc khai thác theo từng thời gian, thời điểm, các ngành nghề hoạt động sẽ có cơ hội khai thác có hiệu quả và giảm được những mâu thuẫn.
Cũng theo những người có trách nhiệm, muốn đảm bảo công tác này, Nhà nước cần đầu tư thêm phương tiện chuyên dụng cho các cơ quan chức năng mới có thể xử lý nhanh chóng các vụ việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên biển.
Bên cạnh đó, việc giáo dục truyền thống, văn hóa đối với lao động biển cũng cần được các ngành các cấp quan tâm. Bởi một khi có ứng xử văn hóa thì ngư dân mới thắt chặt tình đoàn kết trên ngư trường và như vậy sẽ không còn tình trạng tranh chấp ngư trường xảy ra./.