Báo cáo của CTCK Vietcombank (VCBS) đưa ra đầu tuần này cho rằng, "thị trường trái phiếu sẽ vẫn sôi động trong năm 2014", một phần do nhu cầu đối với trái phiếu ở tất cả các kỳ hạn sẽ vẫn lớn. Các ngân hàng sẽ tiếp tục thận trọng trong hoạt động cho vay, do đó sẽ vẫn tìm đến trái phiếu với tính an toàn cao, Báo cáo của VCBS phân tích.
VCBS đề cập tới Thông tư 02 phân loại tài sản ngân hàng có hiệu lực vào tháng 6/2014 sẽ khiến các ngân hàng càng phải thận trọng hơn trong hoạt động cho vay. Do đó, kể cả khi tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trong tháng 12 vừa rồi, việc mở rộng tín dụng cũng sẽ vẫn diễn ra ở mức độ vừa phải trong năm 2014.
"Các ngân hàng có thể tận dụng cơ hội nguồn vốn giá rẻ đề đầu tư vào những tài sản an toàn có lợi suất trên 5%/năm. Trong trường hợp đó, trái phiếu sẽ là lựa chọn tối ưu", VCBS viết.
Cùng lúc đó, Dragon Capital cũng đưa ra báo cáo cập nhật và cho rằng, "vẫn có tiềm năng để lợi suất trái phiếu giảm tiếp". Trong khi đó, lợi suất trái phiếu vào thời điểm báo cáo đã ở mức rất thấp: 6,8% đối với kỳ hạn 2 năm, 7,1% với kỳ hạn 3 năm và 7,9% đối với kỳ hạn 5 năm. Các mức này không cách xa nhiều so với mức đáy của năm 2013, lần lượt là 6,1%, 6,3% và 7,3%.
Thực ra, dự báo của Dragon Capital đã đúng. Vào ngay phiên đấu thầu đầu tuần này, lợi suất đều giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 15 - 25 điểm cơ bản.
Những ngày cuối năm, thị trường trái phiếu chính phủ vẫn tương đối sôi động. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 9.150 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh được huy động, trong đó có cả trái phiếu của Ngân hàng Phát triển (VDB). Khối lượng này lớn hơn hẳn cùng thời gian năm ngoái, khi đó, Chính phủ huy động được chưa đầy 5.000 tỷ đồng trái phiếu (mặc dù lợi suất trái phiếu khi đó ở trong xu hướng giảm mạnh hơn cả thời gian này).
VCBS thậm chí dự báo lợi suất trái phiếu của kỳ hạn ngắn sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong những tuần tới, báo cáo mới nhất của Công ty cho biết.
Tuy nhiên, giới quan sát trong ngành tỏ ra thận trọng đối với tiềm năng đầu tư của thị trường trái phiếu trong năm tới. Cả VCBS và Dragon Capital đều cho rằng rất khó có khả năng lợi suất giảm xuống các mức đáy của năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát trong năm tới vẫn chứa những yếu tố không chắc chắn, và do hoạt động cho vay của ngân hàng đã phần nào hồi phục, báo cáo của Dragon Capital viết.
Lượng cung lớn của Chính phủ - thậm chí có khả năng lớn hơn lượng cầu - cũng là một yếu tố khiến các nhà đầu tư cho rằng lợi suất sẽ khó giảm sâu.
Chi tiêu của Chính phủ liên tục tăng trong nhiều năm, khoảng cách giữa thu và chi ngày một giãn rộng đến mức Quốc hội phải thông qua đề xuất nâng trần thâm hụt lên 5,3% GDP trong năm 2014. Quốc hội đồng thời thông qua đề xuất phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2014 - 2016 để tài trợ cho các dự án lớn. Con số 170.000 tỷ đồng này không bao gồm lượng 75.000 tỷ đồng trái phiếu đã được đưa vào kế hoạch phát hành giai đoạn 2012 - 2015.
Không chỉ Chính phủ, mà các địa phương cũng tăng cường phát hành trái phiếu do áp lực tự tìm vốn tài trợ cho các dự án của địa phương mình. Bên cạnh đó là một loạt các doanh nghiệp cũng đang lên các kế hoạch phát hành trái phiếu hàng ngàn tỷ đồng, với lãi suất hấp dẫn hơn rất nhiều so với trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK tại một số ngân hàng, các ngân hàng này vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh tăng tỷ lệ đầu tư trái phiếu trên tổng tài sản, bất chấp lượng cung trái phiếu lớn sắp sửa đưa ra.
"Lượng cung trái phiếu có vẻ sẽ lớn hơn so với lượng cầu trong năm nay", giám đốc đầu tư trái phiếu của một ngân hàng lớn nhận xét./.