Sau khi tái lập tỉnh năm 1992, Trà Vinh là một tỉnh thuần nông, độc canh cây lúa và gần một nửa số hộ dân thuộc diện nghèo. Nhưng sau gần 30 năm phấn đấu khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của một địa phương ven biển, kinh tế Trà Vinh đã đạt những thành tựu quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên. Trong đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.

Là tỉnh có xuất phát điểm thấp, cách xa trục đường huyết mạch Bắc - Nam, Trà Vinh có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm giúp nông dân sản xuất hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã cho phân định từng tiểu vùng sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Cụ thể, tiểu vùng ngọt, tỉnh định hướng phát triển mạnh sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, mở rộng vườn cây ăn trái đặc sản, cây dừa thành vùng tập trung. Tiểu vùng ngọt hoá, chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc nuôi thuỷ sản và đàn vật nuôi có lợi thế của địa phương. Còn tiểu vùng mặn đi đầu là nuôi thủy sản. Với việc quy hoạch từng tiểu vùng và đưa vào sản xuất những cây, con phù hợp đã giúp Trà Vinh nâng cao giá trị trên diện tích đất sản xuất. 

vov_Tra_vinh_1_UIFD.jpg
Cán bộ nông nghiệp Trà Vinh kiểm tra quy trình sản xuất bưởi da xanh theo hướng an toàn.

 Hiện, trong số gần 20.000 ha vườn cây ăn trái của tỉnh Trà Vinh, có gần một nửa thuộc loại đặc sản có giá trị kinh tế cao, có thể xuất khẩu như: chôm chôm, bưởi da xanh, cam sành, măng cụt, quýt đường và dừa sáp… cho thu nhập bình quân trên 140 triệu đồng/ha. Nhờ đó mà những hộ có điều kiện canh tác các loại cây ăn trái đặc sản đời sống rất khấm khá.

Điển hình như hộ ông Phan Thanh Huệ, ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, trước đây chuyên canh tác lúa, nhưng từ khi chuyển sang trồng bưởi da xanh, gia đình ông đã trở thành hộ khá giả nhất, nhì xóm. Hiện, với 6 công bưởi da xanh, hàng năm sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi vài trăm triệu đồng.

 “Vùng này hồi xưa làm lúa thất lắm, hồi đó chưa có cống nước ngập thất lắm. Mà từ ngày xã đắp đập chuyển sang trồng cây có múi hiệu quả lắm. Từ khi tôi trồng bưởi tới giờ đã bảy năm là chưa từng rớt giá. Năm nay dự kiến là từ 500 triệu đồng trở lên”, ông Huệ nói.

Nhờ tập trung đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, những năm gần đây đời sống của người dân vùng mặn ven biển Trà Vinh có bước phát triển vượt bật. Hiện nay, Trà Vinh có hơn 40.000ha diện tích nuôi tôm nước lợ, ngoài gần 5.800 ha nuôi sinh thái kết hợp, còn lại là nuôi bán thâm, thâm canh và siêu thâm canh. Đặc biệt, nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất từ 50 - 70 tấn/ha, thu nhập đạt trên 5 tỷ đồng/ha. Nuôi thủy sản hiện được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Trà Vinh, giá trị sản xuất thủy sản năm ngoái đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Tôm thành phẩm nuôi siêu thâm canh.

Ông Lê Văn Tích ở xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, người có hơn chục năm nuôi tôm thâm canh và nay đã chuyển sang hình thức nuôi siêu thâm canh, phấn khởi cho biết:  “Từ ngày lên ao bạt tới nay, vụ này là vụ thứ 5 thành công. Mỗi vụ lãi 700-800 triệu đồng. Mỗi năm 2 vụ cũng lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiệu quả cao hơn nhiều so với nuôi tôm ao đất”.

Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chia sẻ, tỉnh có tiềm năng, thế mạnh lớn về cây ăn quả và nuôi thủy sản nước lợ. Nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững 2 đối tượng này, nhất là cây ăn quả, thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh; sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của khách hàng. Đồng thời điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng tiểu vùng.

“Để tạo sự đột phá đưa ngành nông nghiệp của tỉnh theo đúng định hướng đề ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình tập trung quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, chú trọng phát triển mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp đặc thù và đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp; gắn chặt giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới”, ông Đồng Văn Lâm cho hay.

Trà Vinh hôm nay

Nhờ khai thác hiệu quả thế mạnh nông nghiệp, những năm gần đây, kinh tế Trà Vinh có bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều năm liên tiếp tăng trưởng kinh tế của Trà Vinh đạt 2 con số, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,33% và đời sống người dân không ngừng nâng lên.

Là một tỉnh nông nghiệp có tiềm năng lớn về sản xuất trái cây đặc sản và phát triển thủy sản, Trà Vinh đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hướng đến phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Địa phương này đã và đang đi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, kết hợp với phát triển công nghiệp để sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng trên thị trường do các Hiệp định kinh tế mang lại và góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển lên một tầm cao mới./.