Áp lực mua sắm hàng thực phẩm thiết yếu đang dồn vào các kênh bán lẻ hiện đại, chính vì vậy có lúc các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi quá tải. Trước tình trạng này, một số quận, huyện  cũng linh hoạt tổ chức các điểm bán hàng lưu động và cho một số quầy sạp ở chợ truyền thống hoạt động trở lại để phục vụ nguồn cung thực phẩm cho người dân thành phố.

Quận Tân Phú có tất cả 6 chợ truyền thống đều đóng cửa do có ca mắc dịch bệnh Covid-19 và đến giờ chưa có chợ nào hoạt động trở lại. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho người dân, UBND quận phối hợp với Trung tâm thương mại AEON tổ chức 7 điểm bán hàng bằng xe lưu động tại các khu dân cư. Ông Phạm Công Chánh, Phó Chủ chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết: Chính quyền địa phương bố trí địa điểm, sắp xếp và kiểm soát việc bán hàng, đảm bảo thực hiện việc phòng chống dịch.

“Chúng tôi tăng cường bán hàng lưu động các loại thực phẩm xanh, rau củ, thịt cá …thực phẩm tươi sống. Chúng tôi tập trung điểm bán hàng ở các khu vực đông dân cư đông.Hàng ngày, UBND 11 phường đăng ký các điểm bán hàng lưu động. Việc này góp phần giảm tải cho hệ thống siêu thị, chợ và góp  tăng thêm nguồn thực phẩm cho người dân”, ông Chánh nói. 

Còn tại Quận 11, ông Trần Ninh Đông, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận cho biết, quận đang tổ chức thí điểm cho 4 tiểu thương bán rau, thịt cá, trứng… tại một chợ đang bị phong toả, Ban quản lý chợ kiểm tra việc chấp hành 5K của người mua và người bán. Hàng hóa được đóng gói sẵn với giá tiền cụ thể, để người dân đến mua nhanh và đi về.

“Bán hàng theo gói combo giải quyết nhanh gọn, mỗi người chỉ mất khoảng 1 phút để đứng mua hàng rồi di chuyển tới, không mất thời gian cân đo, đong đếm… Bây giờ kiểm soát dịch, mình phân luồng cho người vào 1 chiều và đi ra luôn, đi ngang luôn điểm bán, đi trong hành lang của mình đảm bảo giữ khoảng cách người bán, người mua trong dây giăng ra, điểm bán lưu động tại chợ, ngoài trời”, ông Đông cho biết.

Huyện Hóc Môn hiện nay có đến 11/12 chợ truyền thống bị đóng cửa. Phòng Kinh tế huyện  đang tham mưu với UBND huyện cho một số quầy, sạp đảm bảo các điều kiện  phòng chống dịch bệnh ở chợ Hóc Môn để có thể cho bán bán  rau, thịt, cá. Ông Trần Văn Chiến, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Hóc Môn cho biết: Trước mắt là chỉ tham mưu, đề xuất cho chợ Hóc Môn mở 10 sạp bán hàng trở lại, chứ không phải cho tất cả các chợ truyền thống.

“Bây giờ mình phải rà soát chợ nào đủ điều kiện phòng chống dịch bệnh để mình tính toán, trước mắt mình chỉ cho mở vài quầy bán rau, thịt cá ở chợ Hóc Môn…cung cấp hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân. Tùy theo chợ, quy mô thì mình sẽ tính toán thực hiện theo văn bản của Sở Công thương Thành phố hướng dẫn để đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân trên địa bàn”, ông Chiến cho biết. 

Chợ truyền thống là hệ thống cung ứng thực phẩm thiết yếu, chiếm phần lớn thị phần bán lẻ của TP.HCM. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đa số chợ truyền thống bị đóng cửa đang tạo áp lực rất lớn cho thành phố trong việc cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân. Cách làm linh hoạt của các địa phương sẽ tạo thêm nguồn cung thực phẩm và giảm bớt khó khăn cho người dân trong thời điểm này./.