Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (ở tổ 12, phường Hợp Giang) và rất nhiều người dân, du khách đến Cao Bằng có ấn tượng đẹp về tuyến phố đi bộ ven sông Bằng. Công trình không chỉ góp phần mang lại sự khang trang cho thành phố Cao Bằng mà còn là một trong những điểm nhấn, tạo nên sức hấp dẫn của một đô thị trẻ.

“Với tuyến phố đi bộ này, tôi mong khách sẽ đến đông hơn, khách trong nước, nước ngoài họ đến thấy đẹp truyền lại cho người khác và lần sau lại đến, như vậy du lịch sẽ phát triển. Bản thân những người bán hàng như chúng tôi có đông khách thì kinh tế cũng phát triển hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà nói.

Mười năm qua, thành phố trẻ Cao Bằng đã có những bước thay đổi nhanh chóng về hạ tầng kỹ thuật và diện mạo như: tuyến đường Võ Nguyên Giáp có chiều rộng 58m, mở ra hướng phát triển mới cho khu đô thị phía Nam và hàng loạt dự án văn phòng, căn hộ liền kề. Cao Bằng cũng đã có những khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch, thương mại từng bước hoàn thiện…

“Mấy năm gần đây, thành phố đã thay đổi nhiều, nhà cửa, đường xá thay đổi, các công trình lớn cũng xây được nhiều. Đời sống người dân cũng khá lên, mọi sinh hoạt đều ở mức tương đối tốt, các phương tiện công cộng phát triển, thành phố đã có nhiều đổi mới”, ông Vũ Văn Kim, người dân thành phố Cao Bằng phấn khởi.

Hiện nay, cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ của thành phố Cao Bằng đạt gần 69%; công nghiệp xây dựng 28% và nông nghiệp chỉ còn 3,2%. Thương mại - Dịch vụ phát triển nhanh, đặc biệt là dịch vụ du lịch diễn ra sôi động. 10 năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đều đạt trên 10%/năm.

Một trong những yếu tố quan trọng của địa phương đó là thu hút được các nhà đầu tư mang tầm chiến lược. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, thành phố Cao Bằng vẫn có hàng chục dự án lớn với tổng vốn khoảng 13.000 tỉ đồng, tập trung ở các lĩnh vực như đầu tư hạ tầng đô thị, bất động sản, chế biến công nghiệp…

Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng cho rằng, có được điều này không thể thiếu vắng sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh: “Môi trường đầu tư của thành phố Cao Bằng những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư đó là bất động sản, thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch cho du khách gần xa. Đây là một tín hiệu rất tốt cho tỉnh Cao Bằng nói chung và thành phố Cao Bằng nói riêng”.

Thành phố Cao Bằng đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2027, trở thành Thành phố du lịch, văn minh - hiện đại với sự hoàn chỉnh, đồng bộ trong hệ thống hạ tầng, không gian kiến trúc; có cảnh quan đặc trưng hài hòa giữa đô thị và nông thôn, trở thành trung tâm liên kết du lịch của địa phương và khu vực Đông Bắc.

“Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có thương mại dịch vụ. Ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy nhanh các dự án về phát triển đô thị, hạ tầng nhằm tạo lập các quỹ đất, cảnh quan cho phát triển thương mại, dịch vụ. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh... Từng bước hiện thực hóa phương hướng phát triển không gian đô thị của thành phố theo định hướng "Một trục ba trung tâm", “đô thị xanh bền vững”…”, ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng cho biết.

Hiện hệ thống hạ tầng kết nối giữa thành phố Cao Bằng với tuyến Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cũng đang được nâng cấp, mở rộng gắn với mở rộng quy hoạch chung thành phố Cao Bằng. Thành phố Cao Bằng cũng xây dựng phương án đầu tư đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị theo quy hoạch để mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới. Đây là tiền đề quan trọng để Thành phố trẻ từng bước trở một trọng điểm kinh tế của khu vực biên giới phía Bắc./.