Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989 giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Khu Công nghệ cao, xác định quy mô diện tích là 800ha tại Quận 9. Đến năm 2002, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng thu hồi diện tích 804ha và được chấp thuận.

Theo kết luận số 256 của Thanh tra Chính phủ, mặc dù Quyết định số 989 của Thủ tướng Chính phủ không đề cập nhưng TPHCM lại thu hồi đất tại phường Hiệp Phú, đồng thời không thu hồi đất tại phường Phước Long B. Một năm sau, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 95 về phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng Khu Công nghệ cao giai đoạn 1 với tổng diện tích 804 ha tại 5 phường (Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B) và bổ sung thêm phường Hiệp Phú.

Sai phạm của TP HCM trong lần thu hồi đất lần thứ hai là đã thu hồi bổ sung 6,9ha mà chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Lần thu hồi đất thứ ba, TPHCM tiếp tục có sai phạm khi thu hồi bổ sung tới 102ha chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2005, TP HCM mới kiến nghị Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án Khu Công nghệ cao từ 804ha lên 913ha.

Năm 2006, TP HCM điều chỉnh địa danh thu hồi đất từ phường Phước Long B thành phường Hiệp Phú. Điều này được cho là hợp thức hóa sai phạm thu hồi đất ngoài ranh dự án không có trong Quyết định số 989, dẫn tới khiếu nại gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất.

vov_cnghe_3_qqat.jpg
Một góc Khu Công nghệ cao TP HCM.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 458 điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể Khu Công nghệ cao, quy mô diện tích là 913ha xây dựng trên 5 phường (Tân Phú, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ) mà không có phường Phước Long B. Sau đó 1 năm, UBND TPHCM điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Công nghệ cao xác định diện tích tổng thể của dự án là 913ha. Trong đó, đất Khu Công nghệ cao là 872ha và 41ha là đất các dự án khác nằm trong ranh dự án.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24 xác định quy mô Khu Công nghệ cao là 872ha nhưng không nhắc đến 41ha đất mà TP HCM gọi là “các dự án khác”. Sau đó, UBND thành phố giao UBND Quận 9 thu hồi 149ha đất nằm ngoài diện tích tổng thể 913ha của dự án để lập 7 dự án tái định cư, 1 khu nhà ở cho chuyên gia và 1 khu nhà lưu trú cho công nhân cho Khu Công nghệ cao. Tổng cộng TP HCM thu hồi 1.062ha đất.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: TP HCM sai sót trong trình tự, thủ tục thu hồi đất khi chưa được Thủ tướng chấp thuận. Thành phố cũng sai sót trong việc công bố quy hoạch, không lập phương án đền bù, tái định cư cho người dân khi thu hồi đất.

Về phía người dân, nguyên nhân khiến khiếu nại kéo dài là do thành phố thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch. Điều này được bà Nguyễn Thị Hồng Sương khẳng định với phóng viên VOV. Bà Sương (hiện đang ở khu tạm cư dự án Khu Công nghệ cao) cho biết, năm 2008, khu đất diện tích hơn 830m2 của gia đình bà nằm ở mặt tiền đường Man Thiện, phường Tăng Nhơn Phú A cách xa ranh dự án Khu Công nghệ cao nhưng vẫn bị thu hồi với lý do làm khu tái định cư.

Bà Sương khẳng định, thời điểm thu hồi đất không hề có quyết định nào thể hiện khu đất của bà làm khu tái định cư, hiện nay trên đất của bà được xây dựng nhà trẻ tư nhân, còn những phần đất của các hộ dân lân cận thì phân lô, bán nền để kinh doanh. Phương án đền bù cho đất của bà Sương thời điểm đó là hơn 400 triệu đồng, do không đồng ý nên bà không nhận.

“Nếu muốn làm gì thì phải có quy hoạch rõ ràng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự án của Nhà nước phải có quyết định thu hồi đất, còn dự án của tư nhân thì chủ đầu tư phải thương lượng với dân đúng theo quy định”, bà Nguyễn Thị Hồng Sương nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Sương khẳng định, khu đất của mình ngoài ranh quy hoạch vẫn bị cưỡng chế thu hồi.

Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Gái than thở, từ ngày bị cưỡng chế thu hồi đất, năm 2008, gia đình phải vào sống khu tạm cư nhếch nhác, chật chội, cuộc sống bị đảo lộn. Dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn phải bươn chải, làm thuê mướn để kiếm sống, thu nhập giảm sút, khó khăn chồng chất. Vậy nhưng chẳng thấy chính quyền quan tâm đến đời sống của người dân, nhà dột nhưng phải xin phép chật vật mới được sửa chữa.

Mặc dù đất của bà trên đường Man Thiện, phường Tăng Nhơn Phú A không nằm trong quy hoạch, không công bố cột mốc, không có quyết định thu hồi đất nhưng chính quyền vẫn đưa lực lượng vào phá dỡ nhà. Bà Gái cho biết, khu đất hơn 1000m2 bị thu hồi nhưng đưa giá đền bù quá thấp chỉ hơn 600 triệu, thời điểm hiện tại quay lại mua 100m2 chính khu vực đó cũng không được.

Bà Nguyễn Thị Gái chia sẻ: “Mong muốn chính quyền giải quyết sớm để người dân có cuộc sống ổn định chứ đưa vô khu tái định cư tôi phải đi làm gia công từ cái móc để mà sống, chứ bây giờ già rồi không làm được gì nữa”.

Khu tạm cư cho dân bị thu hồi đất chật chội, nhếch nhác.

Đầu tháng 8/2019, chính quyền thành phố đã gặp gỡ, tiếp xúc với người dân Khu Công nghệ cao để nghe nguyện vọng và xây dựng phương án bồi thường, tái định cư. Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Quận 9 cho biết, số tiền phải bỏ ra để bồi thường, hỗ trợ người dân là 1.400 tỷ đồng. Số tiền này đã trình và được HĐND TP HCM thông qua. So với chính sách trước đây thì có sự chênh lệnh, do đó sẽ tính thêm lãi suất ngân hàng để xác định số tiền và chi trả bổ sung tất cả các khoản.

Đối với khiếu nại về pháp lý của dự án, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, rất khó để thành phố thu hồi 3 quyết định thu hồi đất trước đó bởi Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định phê duyệt.

Ông Hoan nói: “Chúng tôi mong người dân nhận nền tái định cư thay vì nhận tiền. Chính sách bằng tiền nhưng không thể vượt quá khung, nếu nhận tiền thì giá trị không bằng nền đất, nhận một lô đất có giá trị cao hơn rất nhiều”.

Cho tới nay, Khu Công nghệ cao đã thu hút nhiều dự án đầu tư FDI lớn, nhưng ngược lại, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này lại vẫn ròng rã khiếu nại, cuộc sống khó khăn vất vả. Thành phố không thể phát triển mà đời sống người dân lại tụt hậu, do đó chính quyền TP HCM cần nhanh chóng giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất để người dân Khu Công nghệ cao sớm ổn định cuộc sống./.