Theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, một số qui định trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP rất khó thực hiện, nếu không nói là không thể thực hiện được.
Đơn cử như qui định Tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000 m3 là chưa sát với tình hình thực tế. Thứ nhất, để có một kho chứa xăng dầu như vậy, tổng đại lý cần có một diện tích trên 1ha (bao gồm cả hàng lang an toàn theo qui định hiện hành), kinh phí đầu tư không dưới 30 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án không dưới 3 năm. Vì thế, điều kiện sở hữu hoặc đồng sở hữu một kho chứa với qui mô như vậy là bất khả thi. Do vậy, để có giấy phép hoạt động nhà đầu tư chỉ còn cách hợp thức hóa điều kiện này bằng một hợp đồng thuê với thương nhân đầu mối. Thương nhân đầu mối vì muốn phát triển thị phần của mình nên luôn sẵn sàng ký kết hợp đồng thuê mướn kho bãi cho Tổng đại lý. “Điều đó cho thấy, qui định này chỉ mang tính hình thức” – ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu tự lực 1 cho rằng, dự thảo sửa đổi Nghị định 84 sửa qui định này xuống 2.000m3 nhưng có khi cũng không làm được. Vì thủ tục hành chính của chúng ta rất rườm rà. “Chúng tôi xây dựng một cửa hàng bán xăng dầu phải mất 2 năm từ lúc xin phép, với cây ở diện cấp 1 thì còn phải mất lâu hơn thế. Nếu làm một kho có sức chứa hơn 2.000 m3 không biết đến bao giờ. Ngoài ra, Tổng đại lý chỉ là đơn vị lưu thông vận chuyển hàng hóa chứ không cần dự trữ vì thế không cần thiết phải có qui định này.” – ông Tiu nói.
Chia sẻ thực tế này, ông Phan Thế Ruệ đề nghị bỏ khoản 2 của Điều 13, Nghị định 84, vì để có một kho dầu hàng nghìn m3 cần một diện tích quá lớn trong bối cảnh quỹ đất của các tỉnh, thành phố ngày một hạn hẹp, thời gian để thực hiện dự án quá dài và số tiền đầu tư không nhỏ. Thêm vào đó, nếu đổ hàng vào kho bể rồi xuất ra cho các cửa hàng sẽ làm cho tỷ lệ hao hụt tự nhiên do tính chất cơ lý sẽ tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh đó, qui định Tổng đại lý chỉ được ký với 1 đầu mối nhưng không có đơn vị nào chấp hành vì hầu hết đều ký với 2 đầu mối trở lên. Vì nếu 1 đầu mối mà không đủ hàng, thù lao lại không đảm bảo thì không ai dám làm. Theo ý kiến của nhiều DN là không nhất thiết chỉ ký với 1 đầu mối. Một đầu mối sẽ thuận tiện cho quản lý nhưng nhiều lúc không đảm bảo được nguồn… Trong trường hợp nếu thương nhân đầu mối kinh doanh lỗi (do cơ chế để đảm bảo cân đối vĩ mô…) thì mức thù lao phải đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho tổng đại lý hoặc đại lý. Trường hợp thương nhân đầu mối không đáp ứng được yêu cầu này thì Tổng đại lý được ký tối đa với 2 thương nhân đầu mối…/.