Những ngày này, các vùng nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên hay Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đều gánh chịu nhiều thiệt hại do tôm chết hàng loạt. Mỗi con tôm chết người nuôi mất từ 1 - 1,5 triệu đồng. Nhiều nông dân trở nên trắng tay vì tôm hùm chết kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay.
Thu hoạch tôm (Ảnh KT) |
Tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã có 300.000 con tôm chết, chiếm 1/3 số tôm thả nuôi. Tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, tổng mức thiệt hại cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Võ Văn Nha, chuyên nghiên cứu về tôm hùm ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà hiện tượng tôm hùm chết không phải là lần đầu tiên xảy ra ở vùng nuôi tôm hùm Nam Trung bộ, nhưng năm nay phức tạp hơn.
“Hiện nay, tỷ lệ tôm chết là không phải do một loại bệnh, như chết do bệnh sữa, chết do đỏ thân, do đen mang. Tỷ lệ chết khác nhau ở từng vùng”- TS Nha cho biết.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm hùm chết là mật độ lồng nuôi quá dày. Từ năm 2006, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã quy hoạch vùng nuôi nhưng không khả thi, không có ý nghĩa đối với người nuôi tôm hùm. Bà con quen với cách làm, nơi nào nuôi được mùa, kín gió là năm sau mọi người kéo bè nuôi đến.
Ông Đinh Xuân Để, một chủ nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh than phiền: “Ý thích mình thích đâu thì dắt bè đến đó. Vịnh này êm nên dắt vào nuôi. Họ làm thì mình làm”.
Diện tích thả tôm nuôi tăng một cách tự phát dẫn đến môi trường nuôi ô nhiễm. Ông Trương Thái Hùng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Khu nuôi trồng thủy sản đã được quy hoạch nhưng với mức độ nuôi trồng rất lớn nên ô nhiễm môi trường là có thực”.
Sự phá vỡ quy hoạch vùng nuôi tôm ở huyện Vạn Ninh là điều dễ hiểu, bởi không có ai đứng ra phân chia mặt nước để giao cho từng hộ nuôi tôm hùm. Ông Đặng Tri Thông, chuyên viên Phòng Nông nghiệp, huyện Vạn Ninh, cho biết mỗi lồng tôm trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng bà con vẫn nuôi theo kinh nghiệm là chính, việc kiểm soát môi trường nước vùng nuôi hiện nay bị buông lỏng.
“Cái quy hoạch chi tiết vùng nuôi, huyện này đã ban hành rồi, nhưng quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Do đặc thù nghề nuôi là di dời không cố định, ngư dân có xu hướng tập trung vùng kín gió. Dịch bệnh từ năm 2007 đến nay vẫn tiếp diễn chưa xử lý triệt để được”- ông Thông cho biết thêm.
Nuôi tôm hùm đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho những người nuôi tôm ở vùng ven biển các tỉnh Nam Trung bộ. Thế nhưng công tác quy hoạch, quản lý, định hướng đã không được các địa phương quan tâm. Cho nên, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan, cuối cùng người nông dân gánh chịu thiệt hại./.