Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều cố gắng trong quy hoạch, đầu tư, quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trước đòi hỏi phải xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng cá, bến cá đáp ứng nhu cầu ngày càng cao để phát triển nghề cá, thì việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng cá, bến cá vẫn chưa đạt yêu cầu.
Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu hiện có 6 cảng, cụm cảng cá và 10 bến cá với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 1.463m. Mô hình tổ chức cảng cá khá đa dạng, đa phần các cảng cá, bến cá do doanh nghiệp quản lý, điều hành; một số cảng cá có Ban quản lý trực thuộc UBND huyện, chỉ có 1 Ban quản lý cảng cá Lộc An trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quản lý.
Buông lỏng quản lý việc thu mua sản phẩm thủy sản sau khai thác. |
Theo ông Lê Văn Kháng, Ủy viên thường vụ Hội nghề cá Việt Nam, các cảng cá của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện vẫn chưa phối hợp tổ chức được các hoạt động quản lý trật tự vệ sinh môi trường, chưa tổ chức được hệ thống quản lý thống kê nguồn lợi và tàu thuyền và cũng chưa quản lý được chất lượng sau khai thác. Đặc biệt là chưa tổ chức lại hệ thống thu mua tại cảng nhằm truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Còn ông Ngô Thanh Liêm – Giám đốc cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ bày tỏ, việc quản lý của cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu lâu nay không đồng bộ, thống nhất, cái thì do Bộ quản lý, cái do Sở, có cảng do cá nhân, doanh nghiệp quản lý. Chính mô hình không đồng nhất dẫn đến việc bất cập trong quản lý cảng cá thống nhất không chỉ ở Bà Rịa-Vũng tàu mà cả trên toàn quốc.
Thu mua sản phẩm sau khai thác tại các cảng cá |
“Mô hình tổ chức không đồng nhất như thế này gây bất cập trong quản lý, đặc biệt vừa qua EU rút thẻ vàng do đánh bắt trái phép thì lại càng bộc lộ khuyết điểm rất lớn đối với mô hình không đồng nhất này. Việc giao cho các cảng cá làm việc truy xuất nguồn gốc phải thống nhất từ trung ương cho đến địa phương” - ông Ngô Thanh Liêm chia sẻ.
Tại hội nghị toàn quốc về cảng cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Vũng Tàu vừa qua, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, mô hình quản lý cảng cá hiện rất khác nhau giữa các địa phương mặc dù đã có Nghị định quy định nhưng chưa được triển khai. Hoạt động của các cảng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của quốc tế cũng như chưa quản lý nghề khai thác theo hướng có trách nhiệm và phát triển bền vững. Những khuyến nghị của châu Âu về tàu cá, thống kê và giám sát sản lượng khai thác hải sản chưa đạt được yêu cầu.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để thống nhất công tác quản lý tàu cá, cảng cá, Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11/2017 quy định, khi các tàu cập bến thì cơ quan quản lý cảng ngoài việc thu thập nhật ký chuyến biển cũng phải cập nhật dữ liệu hành trình của từng tàu vào phần mềm quản lý, dữ liệu này sẽ được kết nối với Chi cục thủy sản của tỉnh cũng như là Tổng Cục thủy sản.
Cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Còn theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc cập nhật dữ liệu qua thiết bị giám sát hành trình từ tàu khai thác xa bờ sẽ là cơ sở để các cảng từ chối cho bốc dỡ sản phẩm đối với các tàu cá khai thác trái phép, ngoài ra còn biết được tọa độ, đường đi của các tàu trong quá trình khai thác.
“Khi có thiết bị này thì biết được tàu cá của chúng ta đang hoạt động trên biển thuộc chủ quyền của chúng ta hay thuộc chủ quyền của các nước. Nếu tàu cá của chúng ta vi phạm thuộc chủ quyền các nước thì cũng kịp thời thông tin và yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng biển các nước” - ông Trần Văn Cường chỉ rõ
Để khắc phục những mặt hạn chế trong công tác quản lý cảng cá trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành lĩnh vực khai thác thủy, hải sản, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần giao trách nhiệm quản lý và thành lập ban quản lý cảng cá cho ngành nông nghiệp. Có như vậy thì việc điều hành sẽ thống nhất, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo sản xuất, khai thác hiệu quả các dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương./.