Sau gần một tháng bế tắc, cuộc khủng hoảng quanh vấn đề nợ của Hy Lạp đã có chút tín hiệu lạc quan khi Athens đưa ra các đề xuất mới với nhóm chủ nợ ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone, vừa kết thúc cách đây vài giờ đồng hồ tại Brussels.

Theo các nguồn tin từ Brussels, phía Hy Lạp đã chuyển đề xuất mới cho Eurogroupe, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính eurozone nhóm họp vào trưa hôm qua tại Brussels ngay trước phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh vào buổi tối. Những đề xuất này bao gồm việc hạn chế nghỉ hưu sớm, tăng thuế giá trị gia tăng – VAT và tăng thuế thu nhập với nhóm có thu nhập trung bình và cao. 

Đánh giá về các đề xuất này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết: “Đây là những đề xuất thực sự nghiêm túc đầu tiên của Hy Lạp”.

Tuy nhiên, do các đề xuất của Hy Lạp đến quá muộn, tức vào đêm Chủ nhật nên các chuyên gia của nhóm chủ nợ, bao gồm Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ủy ban châu Âu – EC và Ngân hàng trung ương châu Âu – ECB, chưa để đưa ra bản phân tích chính xác. Vì lí do đó, phiên họp vào giữa ngày hôm qua của nhóm Eurogroupe chỉ kéo dài trong 1 tiếng 30 phút và cũng không đưa ra được quyết định nào. 

Mặc dù vậy, tín hiệu lạc quan phát đi từ phía các chủ nợ cũng đã khiến thị trường tài chính phản ứng tích cực. Ngay trong chiều qua, Thị trường chứng khoán Athens đã tăng 9%. Các thị trường chứng khoán lớn khác ở châu Âu như Frankfurt và Paris tăng 3,8%, London tăng 1,72%. Phát biểu trước báo giới, đại diện của nhóm chủ nợ cho rằng “vẫn còn nhiều việc phải làm”, nhưng tỏ ra lạc quan và theo nhiều nguồn tin thì một thỏa thuận mới nhiều khả năng sẽ đạt được trong vòng 1 tuần nữa.

Tín hiệu tích cực từ nhóm Eurogroupe cũng đã có tác động đến cuộc họp Thượng đỉnh các Nguyên thủ các nước khu vực đồng tiền chung, khai mạc tối qua tại Brussels. Trước thềm Thượng đỉnh, các lãnh đạo chủ chốt của khối như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Francois Hollande đều cho rằng “giữ Hy Lạp ở lại eurozone là ưu tiên hàng đầu của khối”. 

Thái độ này được cho là đã bớt cứng rắn hơn trước rất nhiều, đặc biệt từ phía chính phủ Đức, nơi mà dân chúng nước này ngày càng phản đối quyết liệt việc nhượng bộ Hy Lạp. Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Âu khẳng định sẽ không có một quyết định cụ thể nào được đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh này. Tất cả chỉ có ý nghĩa “tham vấn”, nói cách khác là đưa ra một quan điểm chính trị chung của khối đối với việc tiếp tục cứng rắn hay sẽ giảm nhẹ hơn đối với Hy Lạp. 

Theo các nhà phân tích, đến phút cuối, khi nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi eurozone đặt ra những hệ lụy khôn lường, cả phía chính phủ Hy Lạp lẫn các chủ nợ châu Âu đều đang có dấu hiệu nhượng bộ lẫn nhau. Hy vọng về một thỏa thuận cứu Hy Lạp khỏi bờ vực vỡ nợ đang lớn dần lên./.