Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm. Thị trường ngoại tệ cũng được điều hành ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết: “Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, duy trì thanh khoản của hệ thống, đồng bộ các giải pháp về tín dụng, tiền tệ, thanh khoản để ổn định hệ thống, duy trì thanh khoản và ổn định thị trường trước tác động khó lường của dịch Covid-19. Hàng ngày nhằm hỗ trợ thị trường, NHNN đều chào mua giấy tờ có giá kỳ hạn 1 tuần với lãi suất 2,5% để phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thị trường. Tiếp tục giảm lãi suất điều hành, giữ nguyên các mức lãi suất về cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát”.

Các tổ chức tín dụng vẫn đang tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Với các giải pháp điều hành đồng bộ, đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 là 2,26%.

Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo đó, những quy định tại Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương mại có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch Covid-19, theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ đưa ra phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn. Với sự triển khai tích cực của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,3 triệu tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt  hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (đến 31/5/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 175.000 khách hàng với dư nợ hơn 4.300 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 3 triệu ​khách hàng với số tiền hơn 100.000 tỷ đồng.  ​​​

“Khó khăn của nền kinh tế đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 3, thứ 4 đã làm khả năng trả nợ của các ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống, hàng không, du lịch bị ảnh hưởng rất lớn. Ngành ngân hàng đã triển khai điều hành tăng trưởng tín dụng đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên, giám sát chặt chẽ những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BOT giao thông, chứng khoán, bất động sản” - ông Nguyễn Tuấn Anh , Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết./.