Với lĩnh vực nông nghiệp, thách thức càng lớn vì phân bón, vật tư có mức tăng hơn gấp đôi. Để vượt qua thách thức, bên cạnh nắm bắt tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, nhà nông và doanh nghiệp ở Tây Nguyên còn tỉnh táo định vị lại giá trị của mình, nhanh nhạy tìm những phân khúc thị trường riêng, sản xuất những loại hàng hóa với tiêu chuẩn chất lượng phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

Là doanh nghiệp cà phê, thành viên của Tổng công ty cà phê Việt Nam, nhưng Công ty TNHH MTV Cà phê 721, tỉnh Đăk Lăk, lại “thành danh” với thương hiệu “Gạo 721, tốt cho mọi nhà”, khi đạt nhiều giải thưởng chất lượng từ năm 2015 đến nay, trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia của Đăk Lăk.  Với 250ha sản xuất lúa, đầu tư đồng bộ từ chọn giống, gieo trồng đến thu hoạch, xay sát và công tác thị trường, mỗi vụ lúa ở công ty thường cho lợi nhuận từ 120 đến 150 triệu đồng/1 ha.

Ông Trịnh Xuân Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 cho biết, việc kịp thời chuyển từ trồng lúa bán thóc sang trồng lúa-chế biến và kinh doanh gạo, không chỉ giúp công ty trụ vững qua giai đoạn khó khăn mà còn có nguồn lực để tái canh 200 ha cà phê vừa hết chu kỳ khai thác.

“Ở đây, chúng tôi vốn rất nhiều lúa, từ năm 2015, thay vì bán lúa đi thì xây dựng hệ thống chế biến. Song hành 2 thứ, sản xuất lúa và chế biến gạo, đem lại giá trị rất là tốt, vì mỗi năm cho thu hai vụ. Trong khi đó, cà phê đã nhổ hết rồi để tái canh, thì vẫn còn doanh thu lớn từ sản xuất lúa và chế biến gạo” - ông Trịnh Xuân Tài nói.

Xác định đúng thế mạnh, tìm kiếm những phân khúc thị trường riêng và xây dựng sản phẩm phù hợp, cũng đã giúp nhiều nông dân xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông vươn lên làm giàu.

Ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choah cho biết, từ vài năm nay ở Buôn Choah hầu như không còn ai sản xuất những giống lúa thường.

Toàn bộ 770 ha đất lúa ở xã, đều canh tác giống lúa chất lượng cao ST24, ST25. Thực tế cho thấy, với sự màu mỡ ở cánh đồng nhiều tro núi lửa Buôn Choáh,  năng suất 2 giống lúa này luôn ổn định ở mức  10 tấn 1 ha trở lên. Lúa chất lượng cao,  “cung không đủ cầu” nên bán được giá nông dân có lãi trăm triệu đồng 1 năm kể cả khi chi phí đầu vào tăng cao.

“Đảm bảo chất lượng hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc, thì giá trị hàng hóa tăng lên. Lúa tươi hiện giờ giá 8.100 - 8.200 đồng/kg. Xe ô tô thì mỗi bãi cứ 2-3 cái đã vào chờ sẵn mua lúa” - ông Phạm Xuân Lai nói.

Trong khi sản phẩm gạo của vùng cao Tây Nguyên đang đang mạnh dần lên ở thị trường trong nước, thì trái cây-thế mạnh mới của khu vực cũng vươn xa nhanh chóng tới các thị trường xuất khẩu. Hàng chục nghìn ha vùng nguyên liệu chanh dây, chuối, dứa, xoài và nhất là sầu riêng, đều được gắn với các cơ sở chế biến và đóng gói, có mức tăng vùn vụt về cả sản lượng và giá trị.

Ông Đinh Gia Nghĩa- Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đồng Giao tại tỉnh Gia Lai cho biết, sản phẩm trái cây qua chế biến của công ty đang có mức tăng trưởng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn vị đang tích cực đầu tư công nghệ, mở rộng vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu từ các thị trường lớn.

“Hiện tại, chúng tôi tập trung đầu tư nhiều vào công nghệ, đặc biệt công nghệ chế biến sâu, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến sâu vào thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu. Chúng tôi cũng hợp tác với nông dân để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, phát triển, đảm bảo đáp ứng cho nhà máy giữ ổn định sản xuất" - ông Đinh Gia Nghĩa cho biết thêm.

Cùng với nhiều thế mạnh mới được tạo ra, thế mạnh cà phê truyền thống ở Tây Nguyên cũng được đổi mới và nâng cao giá trị, với khoảng 150.000 ha là các vùng nguyên liệu liên kết giữa doanh nghiệp-hợp tác xã và nông dân, sản xuất cà phê chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế, giá xuất khẩu cao hơn mặt bằng chung từ 50 - 250 USD/tấn. Riêng tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, đã hình thành được hàng chục nghìn ha cà phê trồng xen với các các loại cây kinh tế như macca, sầu riêng, cho giá trị kinh tế gấp đôi đến gấp 10 lần so với cách trồng cà phê truyền thống.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Nông, sự vươn tầm của nông nghiệp Đăk Nông và các tỉnh Tây Nguyên, không chỉ ở giá trị kinh tế mà còn ở giá trị của các mối quan hệ hợp tác bền vững đã được tạo dựng nên.

“Hiện nay, các doanh nghiệp đều hướng tới việc làm sao tạo ra được mối quan hệ bền vững với người nông dân thông qua việc liên kết hỗ trợ đặc biệt là có cơ chế chia sẻ lợi nhuận. Người nông dân không chỉ biết sản xuất mà họ còn hoạch định được giá trị sản phẩm của họ, sòng phẳng với thị trường. Thứ hai nữa là nông nghiệp bây giờ không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường mà còn là đa giá trị, ví dụ như là dịch vụ du lịch nông nghiệp, dịch vụ trải nghiệm và nhiều giá trị khác” - ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

Năm 2022 đang ở những tháng cuối cùng, dù gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng mạnh, nhưng nông nghiệp Tây Nguyên vẫn tiếp tục thắng lớn. Kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản của 2 tỉnh Đăk Lăk-Gia Lai, tăng từ 40% đến hơn hơn 100% so với cùng kỳ năm 2021. Sầu riêng của 4 tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, Kon Tum đã thành công xuất khẩu chính ngạch, tạo ra ưu thế to lớn tại thị trường Trung Quốc giá trị hơn 4 tỷ USD, càng tăng thêm sức mạnh cho nông nghiệp Tây Nguyên.

Những nhà máy chế biến, các cơ sở đóng gói nông sản và những vùng trồng liên kết giữa nông dân-hợp tác xã và doanh nghiệp, đang hoạt động nhịp nhàng, tiếp tục tạo lực đẩy để nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục vượt lên những biến động bất lợi./.