Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2014 (từ 1 - 15/8) đạt hơn 12,37 tỷ USD, giảm gần 1,53 tỷ USD so với nửa cuối tháng 7/2014. Trong đó, xuất nhập khẩu trong kỳ của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch hơn 7,32 tỷ USD, giảm 840 triệu USD.

Như vậy, tính đến hết ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 178,35 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2013. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 8/2014 thặng dư  17 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tính đến hết ngày 15/8/2014  thặng dư hơn 1,81 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2014 đạt hơn 6,19 tỷ USD, giảm 893 triệu USD so với nửa cuối tháng 7/2014. Tính đến hết ngày 15/8, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 90,08 tỷ USD, tăng gần 11,48 tỷ USDso với cùng kỳ năm 2013.

xnk_dllb.jpg
Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 8 giảm ở một số nhóm hàng điện thoại và linh kiện; giầy dép; hàng thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng dệt, may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng... Trong khi chỉ có số ít các nhóm hàng tăng nhẹ như than đá; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện...

Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu đạt gần 3,82 tỷ USD, cũng giảm 583 triệu USD so với nửa cuối tháng 7/2014. Tính đến hết ngày 15/8, khối doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 55,42 tỷ USD, tăng hơn 7,86 tỷ USD và chiếm gần 61,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước từ đầu năm.

Trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2014 đạt gần 6,18 tỷ USD, giảm 632 triệu USD so với nửa cuối tháng 7/2014. Tính đến hết ngày 15/8, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt gần 88,27 tỷ USD, tăng hơn 8,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.

Nửa đầu tháng 8, Việt Nam giảm nhập khẩu xăng dầu các loại 175 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 101 triệu USD; dầu thô giảm 87 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 45 triệu USD; vải các loại giảm 36 triệu USD; đậu tương giảm 35 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy giảm 30 triệu USD ... Trong khi đó chỉ một số nhóm hàng hóa có kim ngạch tăng như phương tiện vận tải và phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu; kim loại thường khác...

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ đạt hơn 3,5 tỷ USD, giảm 257 triệu USDso với nửa cuối tháng 7/2014. Tính đến hết ngày 15/8, các doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch nhập khẩu gần 49,5 tỷ USD, tăng gần 4,68 tỷ USD, chiếm gần  56,1% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước từ đầu năm./.