Việc kiểm soát lạm phát năm 2011 phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đã qua 4 tháng thực hiện Nghị quyết 11, và đã có những tiến triển tốt trong chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cắt giảm đầu tư công chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu lạm phát không vượt quá 15% cả năm, thì phải tiếp tục siết chặt việc cắt giảm đầu tư công trong thời gian sắp tới.
Trước tiên nói về chính sách tiền tệ. Thành công lớn nhất trong 4 tháng qua, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, là bước đầu kiểm soát được thị trường ngoại tệ, tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức tạm cân bằng, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tốt hơn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã sử dụng nhiều biện pháp quyết liệt để giảm áp lực cung tiền như giới hạn tăng trưởng tín dụng không quá 20%, cho vay phi sản xuất đến cuối tháng 6 này giảm còn 22%... Điểm cần lưu ý từ nay đến cuối năm, đó chính là điều hành tỷ giá linh hoạt. Vì có thể tỷ giá còn chịu áp lực tăng nữa, tác động đến xuất nhập khẩu. Điều này sẽ góp phần kiểm soát lạm phát.
Khi đặt vấn đề về dự báo lạm phát từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, còn phụ thuộc vào hiệu quả cắt giảm đầu tư công. Cho đến thời điểm này, đã có nhiều dự án từ vốn ngân sách Nhà nước cũng như vốn trái phiếu Chính phủ được cắt giảm, ước khoảng trên 45.000 tỷ đồng.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cần làm rõ ý nghĩa con số này. Nếu cắt giảm nhiều vốn từ các dự án đang thực hiện thì hiệu quả sẽ cao hơn và ngược lại. “Lúc này đã dự báo được rồi, tháng 6 sẽ giảm hơn tháng 5, và còn giảm tiếp. Nhưng quý 4, việc tập trung sản xuất cuối năm, tập trung cho Tết Nguyên đán thì lạm phát sẽ tăng, theo tính thời vụ. Cho nên, nếu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 thì việc kiểm soát lạm phát ở mức 15 - 16% là đạt được”, ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Thực tế, lấy thước đo hiệu quả để cắt giảm đầu tư công là không dễ dàng. Vì các doanh nghiệp (DN) và địa phương có những lý lẽ riêng để tiếp tục thực hiện các dự án đã khởi công. Do đó, theo ông Cao Sỹ Kiêm, cần phải tăng cường kiểm tra các địa phương, DN xem họ đã nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Nghị quyết 11 hay chưa.
Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lưu ý cần cắt giảm đồng bộ cả vốn đầu tư từ ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện vốn trái phiếu chưa nằm trong cân đối ngân sách, nên nếu không siết chặt, đầu tư ngân sách giảm, mà đầu tư từ vốn trái phiếu tăng thì hiệu quả thắt chặt đầu tư không cao. Thực tế, nếu hạch toán cả vốn trái phiếu vào ngân sách Nhà nước, cả nguồn thu và nguồn chi, thì bội chi mới phản ánh thực chất.
Việc giảm bội chi, theo ông Cao Sỹ Kiêm, có thể thực hiện được bởi hai lẽ: Thứ nhất là nguồn thu ngân sách năm nay của chúng ta tốt. Vì lạm phát tăng cao, đẩy giá hàng hóa tăng, và nguồn thu qua đó cũng tăng; Thứ hai là chúng ta đang thực hiện cắt giảm mạnh chi tiêu hành chính và đầu tư công. Kết hợp cả hai yếu tố này thì bội chi ngân sách sẽ giảm.
Song, để mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm không quá 15% thì còn một lưu ý khác là, thận trọng với việc nới rộng tín dụng đối với một số lĩnh vực như nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất hiện nay. Một số chuyên gia không đồng tình với việc nới rộng tín dụng. Vì tổng thể cho thấy, tỷ lệ tín dụng/GDP đã quá lớn, lên đến 120%.
Phải giảm chỉ tiêu bội chi ngân sách xuống dưới 4%, cắt giảm nhập khẩu mặt hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng không thiết yếu. Giảm đi 1% GDP sẽ tương đương 23.000 tỷ đồng (năm 2011, GDP dự kiến đạt 110 tỷ USD). Mỗi thứ cần cân đối để đồng tiền ra đúng vị trí, đúng đối tượng, nếu không sẽ có tác động không hiệu quả. (Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội). |
Hiện đã có những khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế và Bộ Xây dựng về việc giải ngân đối với một số dự án bất động sản có nhu cầu thực, có thể đưa vào sử dụng ngay, cần thiết cho nền kinh tế, thay vì coi tất cả các dự án bất động sản là phi sản xuất. Việc giải ngân này không phá vỡ quy định của NHNN là tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất đến cuối tháng 6 chiếm không quá 22%. Bởi cho đến thời điểm này, có những ngân hàng thương mại có tỷ lệ cho vay phi sản xuất rất cao, nhưng cũng có những ngân hàng tỷ lệ này thấp, nên có thể tiếp tục giải ngân./.