Thời gian gần đây, sự thua lỗ của không ít Tập đoàn, DNNN tác động xấu đến nền kinh tế - xã hội của đất nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ đó, song hệ quả của đầu tư ngoài ngành, đầu tư dàn trải, không hiệu quả là những mấu chốt. Phóng viên VOV phỏng vấn TS Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

1MaiLiemTruc.jpg

TS Mai Liêm Trực

PV: Việc đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, DNNN gây sốc với con số lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Theo ông, điều gì đã lôi kéo lãnh đạo các Tập đoàn, DNNN đó đổ vốn vào những lĩnh vực không phải là thế mạnh khiến họ phải ngã đau như vậy?

TS Mai Liêm Trực:Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, một số lãnh đạo Tập đoàn, DNNN có động cơ tốt, họ thấy các lĩnh vực khác làm ăn có lợi, siêu lợi nhuận (như một thời là chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng kể cả lĩnh vực viễn thông) nên nghĩ đó là một cơ hội. Vì thế, họ tổ chức các doanh nghiệp tham gia vào kinh doanh ngoài ngành nhằm mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thứ hai, do lãnh đạo Tập đoàn, DNNN vụ lợi, muốn bành trướng thế lực của mình nên thành lập rất nhiều công ty con của mình. Họ lợi dụng vị thế, chức vụ, thẩm quyền của DNNN để thành lập nhiều doanh nghiệp, tuyển dụng nhân sự, tạo các mối quan hệ, kể cả những mối quan hệ tài chính, lợi ích riêng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cũng như lo cho việc tiến thân của mình. Tôi thật sự không hình dung được trong vòng 5 năm, sau khi thành lập, mà Vinashin đã thành lập 200 công ty con.

Rõ ràng sức hấp dẫn của những thị trường, những miếng bánh ngon ăn, siêu lợi nhuận đã làm cho một số lãnh đạo hoặc là không tỉnh táo, có động cơ tốt nhưng vẫn phải lãnh hậu quả. Trường hợp của Vinashin là rõ ràng có động cơ vụ lợi.

PV: Theo ông, có mối liên hệ nào giữa độc quyền và đầu tư ngoài ngành, đầu tư dàn trải, quản lý vốn không hiệu quả?

TS Mai Liêm Trực: Có hai biểu hiện của mối liên hệ này. Thứ nhất, các Tập đoàn độc quyền không quen môi trường cạnh tranh cho nên chủ quan, thấy người khác làm, nhất là những lĩnh vực rủi ro, cũng muốn nhảy vào mà chưa thấy được sự khắc nghiệt của thương trường.

Ví dụ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trước đây ở thế độc quyền, nhưng những năm gần đây đã chuyển sang môi trường kinh doanh. Họ biết những cái khắt khe, rủi ro của thương trường cho nên không dám đầu tư ngoài ngành. Còn Dầu khí, Vinashin hay những Tập đoàn quen độc quyền khác cứ nghĩ dễ nên nhảy vào, đó là tâm lý. Xu hướng những Tập đoàn độc quyền đầu tư ngoài ngành nhiều hơn những DNNN (DNNN đã quen cạnh tranh, họ cân nhắc khi đầu tư ra bên ngoài).

Thứ hai, các doanh nghiệp độc quyền thành lập những doanh nghiệp con 100% vốn Nhà nước mà do các nhà quản trị của tập đoàn độc quyền điều hành thì chắc chắn thua lỗ. Vì toàn bộ nề nếp, tư duy kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường.

Một số DNNN đầu tư ra bên ngoài nhưng họ dựa vào một số thế mạnh ngành nghề giống với những ngành của mình và không dám đầu tư 100% DNNN mà chỉ tham gia cổ phần một số hạn chế nào đó. Và một số doanh nghiệp tư nhân mà những người khác lại điều hành thì phần vốn có thể vẫn có lợi. Họ không trực tiếp sử dụng vốn Nhà nước, không trực tiếp đứng ra điều hành mà các doanh nghiệp tư nhân điều hành, chỉ đầu tư một phần nhỏ thì ít rủi ro hơn và thậm chí có lãi.  

Sự đổ vỡ của Vinashin là một trong những thất bại của mô hình Tập đoàn Nhà nước đầu tư dàn trải, quản lý, điều hành yếu kém

PV: Thưa ông, nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước, có những lỗ hổng nào trong việc quản lý, giám sát vốn của các Tập đoàn, DNNN khiến vốn nhiều khi được sử dụng nhưng không đúng mục đích, không mang lại hiệu quả?

TS Mai Liêm Trực: Có rất nhiều lỗ hổng. Thứ nhất, lâu nay chúng ta cứ gắn DNNN trước hết là doanh nghiệp công ích. Thứ hai, chỉ một số lĩnh vực đặc biệt như sản xuất chất nổ, sản xuất chất độc, in tiền hay một số lĩnh vực gắn với an ninh quốc phòng thì DNNN phải làm. Còn lại, phần lớn không để DNNN kinh doanh, tạo nên rủi ro, nhất là những rủi ro mà người dân phải gánh chịu.

Bởi vì, nếu doanh nghiệp tư nhân đứng ra làm, lỗ họ chịu. Còn DNNN lỗ thì dân chịu chứ giám đốc không chịu, cùng lắm thì chịu hình sự hoặc chịu phạt hành chính. Nhưng so với thiệt hại của nhân dân, thiệt hại của cá nhân họ không đáng gì. Cho nên, trước hết, lỗ hổng ở đây là về nhận thức, sự đánh giá vị thế của DNNN.

Xu hướng tất yếu, một trong những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này, là cổ phần hoá hầu hết các DNNN, chỉ để lại một số doanh nghiệp thực thụ, không nên để DNNN nhiều như vậy, mặc dù DNNN có vai trò nhất định.

Chúng ta không nên sử dụng cái lâu nay vẫn gọi là “quả đấm thép” nữa. “Đấm thép” để đấm ai? Bởi nếu sử dụng vị thế của DNNN để ra cạnh tranh thì mất bình đẳng trên thương trường. Trong khi với doanh nghiệp tư nhân chúng ta không có chủ trương đó. Lâu nay ta quá nhấn mạnh vai trò của “quả đấm thép” của các DNNN tạo ra sự lợi dụng của các lãnh đạo DNNN để họ làm bậy.

Trong Điều lệ tổ chức của các Tập đoàn nhà nước, mới thông qua năm 2011, vẫn để khoảng trống quá nhiều cho các doanh nghiệp tự động chuyển sang kinh doanh các lĩnh vực khác.

Trước hết, các doanh nghiệp độc quyền phải hạn chế lại, không được kinh doanh ra ngoài ngành. Không được để tình trạng cứ mở ra rồi lại kéo lại gây thất thoát tài sản, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cán bộ, công nhân viên.

Thứ hai, phải bắt DNNN thực sự cạnh tranh, không thể độc quyền, để các lãnh đạo DNNN phải biết sợ khi tham gia môi trường cạnh tranh mà cân nhắc trong đầu tư.

Hơn nữa, hiện nay đại diện chủ sở hữu trong DNNN vẫn còn chồng chéo hoặc sơ hở. Ví dụ, Bộ Tài chính quản lý cũng là chủ doanh nghiệp; Bộ chuyên ngành cũng quản lý doanh nghiệp; thậm chí Hội đồng quản trị cũng một phần đại diện chủ sở hữu rồi cử một vài cá nhân làm đại diện chủ sở hữu. Cuối cùng DNNN vẫn là sở hữu chung, không có trách nhiệm rõ ràng. Cho nên, khi có sự việc xảy ra thường đổ lỗi cho nhau. Vấn đề công khai minh bạch cũng chưa có quy chế chặt chẽ, nghiêm khắc để các DNNN thực hiện.

PV: Thưa ông, cá nhân ông cũng từ là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông và là Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, rồi làm Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của các đơn vị đầu tư ngoài ngành dàn trải khi tình trạng thua lỗ, mất vốn Nhà nước xảy ra? 

TS Mai Liêm Trực: Rõ ràng, nếu người đứng đầu DNNN quyết định đầu tư ra ngoài ngành không hiệu quả, thất thoát tài sản đi đến thua lỗ, phá sản thì phải chịu trách nhiệm. Trường hợp của Chủ tịch HĐQT EVN, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo của Vinashin là những ví dụ.

Các DNNN và các cơ quan nhà nước thường khi xảy ra sự việc thì người đứng đầu tìm cách lảng tránh trách nhiệm. Họ đổ lỗi cho cơ chế, do mối quan hệ giữa các đơn vị trong doanh nghiệp, Bộ này “đá bóng” sang Bộ kia.

Đây là vấn đề khá nhức nhối trong xã hội hiện nay về trách nhiệm người đứng đầu. Tôi thấy trong bóng đá, trách nhiệm người đứng đầu rất rõ. Khi một trận thua, một giải đấu thua, HLV trưởng nhận trách nhiệm, từ chức hoặc bị sa thải. Thậm chí Tổng Thư ký hay Chủ tịch Liên đoàn bóng đá cũng phải chịu trách nhiệm. Trong lĩnh vực này có vẻ như tính chịu trách nhiệm cá nhân, văn hóa từ chức cao hơn trong các cơ quan Nhà nước và DNNN của chúng ta hiện nay.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!