Vừa mưa đã lũ, vừa nắng đã hạn và nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cạn kiệt là thực tế đang xảy ra ở nhiều vùng núi Tây Bắc. Với bình quân mỗi tỉnh có hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ một thời vàng son “ngồi mát ăn bát vàng” mùa khô năm nay đang lâm vào cảnh thiếu nước phát điện trầm trọng.
Do quá trình xây dựng tàn phá rừng, ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên nước, góp phần vào biến đổi khí hậu, không ít nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang gặp khó khăn. Nhiều nhà máy mùa khô đầu năm 2020 chỉ phát điện được 30% công suất. Công suất điện sụt giảm, nợ đọng thuế, ngân hàng.. là những gì các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Bắc phải đối mặt.
Thế nhưng, từ những năm trước đây, đầu tư thủy điện vừa và nhỏ như “gà đẻ trứng vàng”, doanh nghiệp lãi lớn, địa phương thu được thuế, nên hiện nay các tỉnh vẫn xin bổ sung quy hoạch thủy điện. Ngược lại, người dân phản đối quyết liệt. Bởi đã có nhiều bài học mùa khô bà con thiếu nước sản xuất, mưa về thủy điện xả lũ gây lụt lội, chết người...
Quản lý thủy điện Chiềng Ngàm (Sơn La) cho biết: Nếu một tháng trước chạy hai máy vào mùa mưa thì được khoảng 1,3 triệu MW, giờ được khoảng 500 MW |
Rừng bị tàn phá, biến đổi khí hậu, nguồn nước cạn kiệt, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ chỉ phát được 1/3 công công suất, doanh thu sụt giảm, nợ đọng thuế, các địa phương thất thu.
Tháng 3, thời điểm Tây Bắc đang là mùa kiệt, khô hạn. Dòng sông Đà, Nậm Mu, sông Chảy đến những con suối trong xanh ngày nào cạn trơ đáy, phơi bụng đá. Nước cạn, người dân sản xuất khó khăn, các thủy điện nhỏ lâm vào cảnh ì ạch chạy máy, công suất không đạt một nửa theo thiết kế, không đảm bảo được dòng chảy tối thiểu theo quy định.
Phát điện dưới công suất, DN lạm thuế để trả nợ
Một chủ thủy điện ở Lai Châu than thở: “Tình hình thời tiết năm nay khắc nghiệt, mưa ít nên so với năm trước nên thời gian hoạt động cũng như sản lượng điện giảm 60 - 70%, mỗi máy chỉ phát điện khoảng 8-10 tiếng/ngày”. Chủ thủy điện này cũng thừa nhận, hiện tại nhà máy chỉ chạy chưa đến 40% công suất. Nếu 1 tháng trước chạy 2 máy vào mùa mưa, công suất vào khoảng 1,3 triệu MW, giờ được khoảng 500 MW.
Sơn La vốn được xem như là “thủ phủ” của thủy điện vừa và nhỏ với 47 dự án đã hoàn thành, đang phát lên điện lưới quốc gia, với tổng công suất lắp máy 526,7 MW. Tuy nhiên, do khô hạn nên năm 2019, lưu lượng nước giảm dẫn đến nhiều nhà máy hoạt động dưới công suất thiết kế.
Ông Đặng Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Sơn La cho biết, do không phát hết công suất, nhiều công trình thủy điện đã lạm thuế để dành tiền trả nợ ngân hàng. Điều này dẫn tới năm vừa qua việc thu ngân sách của địa phương thêm vất vả vì hụt thu.
“Các nhà máy thủy điện nhỏ đã phát điện nộp vào ngân sách 411 tỷ đồng, tương đương khoảng 11% trên tổng số thu ngân sách của địa phương năm 2019. So với năm 2018, số thuế nộp ngân sách giảm nhiều, cụ thể là giảm 555 triệu KWh, tương ứng với 71 tỷ đồng tiền thuế so với năm 2018. Đây cũng là một trong những tác động rất lớn đến kết quả chung về kết quả thu ngân sách của tỉnh Sơn La”, ông Hưng cho biết.
Đầu tư thủy điện nhỏ bình quân mỗi MW cần huy động khoảng 30 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp vay 70% vốn vay ngân hàng, trong điều kiện thuận lợi cũng phải mất từ 8 - 10 năm vừa trả nợ gốc vừa trả lãi mới hoàn vốn được nên việc nợ thuế là điều khó tránh khỏi.
Năm 2019, thu ngân sách của tỉnh Lai Châu đạt hơn 2.000 tỷ đồng, số nợ thuế của thủy điện vừa và nhỏ lên đến hơn 113 tỷ đồng. 12 doanh nghiệp thủy điện của tỉnh Lào Cai nợ thuế với tổng số tiền 50,6 tỷ đồng.
Tại tỉnh Sơn La, 12 doanh nghiệp nợ thuế thủy điện với hơn 37 tỷ đồng. Nhiều công trình thủy điện như nhà máy điện Quang Huy đã đầu tư hàng chục tỷ đồng khảo sát xây dựng nhà máy nhưng vẫn không thể khởi công do người dân không đồng thuận hay Nhà máy điện Nậm Hóa 1 đang phải dừng thi công do vi phạm về xây dựng đập.
Khó khăn các doanh nghiệp thủy điện nợ thuế, nợ luôn cả việc hỗ trợ người dân vùng lũ. Sau gần 1 năm cơn lũ dữ đi qua, giờ đây con suối Mường Hoa, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng cạn khô vì thiếu nước, trơ trọi những đá lổn nhổn.
Dân khốn đốn vì thủy điện
Chẳng ai nghĩ rằng trên con suối này lũ quét kinh hoàng đã cướp đi bao nhiêu tài sản của 60 hộ dân để đến bây giờ vẫn còn phải khốn đốn trông chờ hỗ trợ trong mòn mỏi, trong khi nguyên nhân được cơ quan chức năng kết luận phần lớn là do trách nhiệm của thủy điện Sử Pán 1 ở thượng nguồn. Bà Vàng Thị Vân ở thôn La Ve thất vọng: “Ngoài Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ 3 triệu, còn các nhà máy thủy điện không hề có bất cứ sự hỗ trợ nào”, bà Vân cho biết.
Thực tế còn cho thấy, không phải thủy điện nào đầu tư cũng thuận lợi như mong muốn. Có dự án hoàn thành tới 90% như thủy điện Pờ Hồ (Bát Xát, Lào Cai)) thì vướng vào rừng tự nhiên. Có dự án gặp lũ quét thiệt hại hàng trăm tỷ đồng như thủy điện Nậm Tha (Văn Bàn, Lào Cai); thủy điện Suối Sập ( Phù Yên, Sơn La), khắc phục từ năm 2017 đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại được.
Hay công trình thủy điện Nậm So 1 của Công ty VP Thủy điện Nậm So 1, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu do vướng mắc nằm ở 2,9 ha nhầm từ đất nương rẫy sang đất rừng sản xuất, phần đất này được giao cho nhóm hộ theo Nghị định 163 của Chính phủ nên phần diện tích này chưa được bàn giao.
Phải chăng thủy điện nhỏ đã hết thời “ngồi mát ăn bát vàng” khi mọi việc không phải dễ dàng như trước? Khó khăn trong triển khai một phần cũng chính từ việc thất hứa dẫn đến mất lòng tin với dân./.