Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2011 (EcomBiz 2011) do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) tổ chức ngày 17/11, tại Hà Nội.
Diễn đàn đã thu hút hơn 100 lãnh đạo đến từ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp.
Báo cáo thực trạng thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử (TMĐT) cho biết: Hiện nay các chính sách và pháp luật cho thương mại điện tử là tương đối rõ ràng, hạ tầng pháp lý đã hình thành (cụ thể đã ban hành Luật Giao dịch Điện tử và Luật Công nghệ thông tin).
Về dịch vụ công, 2 năm trở lại đây các cơ quan nhà nước đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký các thủ tục hành chính, mức độ ứng dụng thương mại điện tử của các cơ quan nhà nước hiện nay rất tốt…
Kết quả khảo sát 3.400 DN trên cả nước của Bộ Công Thương năm 2010 cho thấy 60% doanh nghiệp (DN) lớn đã tiến hành TMĐT B2B (DN-DN), trong đó 95% nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện TMĐT, 96% sử dụng thư điện tử trong kinh doanh. Đối với DN vừa và nhỏ (SME), 80% DN hoạt động theo hình thức B2B (DN-DN) hoặc B2C (DN-Người dùng). Hộ gia đình, cá nhân tham gia B2C hoặc C2C chiếm 10%. Rất nhiều DN triển khai bán hàng trực tuyến, dẫn đầu là DN ngành hàng không, du lịch, phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng...
Giao dịch TMĐT hiện nay được thực hiện chủ yếu thông qua các website của DN, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội. Dịch vụ viễn thông di động cũng phát triển mạnh và thu hút người dùng là điều kiện thuận lợi thúc đẩy TMĐT trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay các nội dung phát triển thương mại điện tử không theo kịp tốc độ phát triển công nghệ.
Trong khi đó, theo thống kê, hiện nay Việt Nam có trên 15 triệu gia đình có máy tính, trên 24 triệu thuê bao internet và hơn 30 triệu người sử dụng internet mỗi ngày và đây chính là thị trường rất hấp dẫn cho sự phát triển thương mại điện tử.
Các chuyên gia về kiến trúc doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp cần thiết lập một nền tảng vận hành vững chắc, trong đó có cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin và các quy trình kinh doanh được số hóa để tự động hóa các khả năng cốt lõi của công ty.
Bà Judith Jones – CEO của AtE tại Anh Quốc cho rằng: kiến trúc doanh nghiệp đặc tả mối quan hệ giữa kiến trúc của hệ thống công nghệ thông tin và kiến trúc của hệ thống nghiệp vụ; mô tả cách thức hai kiến trúc này tương hợp với nhau để hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ một cách có hiệu quả cho hệ thống nghiệp vụ. Nó kết nối các bộ phận khác nhau, cho phép giao tiếp, công tác, chia sẻ trong doanh nghiệp và tạo ra những giá trị lớn hơn từ việc đầu tư ứng dụng cho công nghệ thông tin.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận sâu về vai trò của kiến trúc doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh giai đoạn 2011 – 2015, đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI.
Các tập đoàn, tổng công ty, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp là những đối tượng cần được ưu tiên đi đầu trong công tác đổi mới và xây dựng kiến trúc doanh nghiệp phù hợp với tầm nhìn kinh doanh trong 5 năm tới./.