Tại buổi báo cáo công bằng thuế Việt Nam 2017 diễn ra ngày 25/5 tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị, bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào cũng cần được xem xét thận trọng.

cong_bang_thue_vdnt.jpg
Cần xem xét thận trọng các khoản tăng thuế tiêu dùng. (Ảnh minh họa: KT).
Thuế tiêu dùng dù được coi là trung tính và hiệu quả về việc hành thu, song lại được xem có tác động không tốt đến công bằng trong chi tiêu.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trưởng nhóm nghiên cứu, chỉ ra rằng, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc giải quyết bài toán cân bằng ngân sách khi các nhiệm vụ chi ngày càng tăng.

Trong bối cảnh Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do (FTA) về gỡ bỏ các hàng rào thuế quan làm nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm đi cộng với giá dầu thô thấp trong những năm gần đây khiến gia tăng áp lực về ngân sách.

Năm 2017, Bộ Tài chính cân nhắc việc tăng thuế suất giá trị gia tăng nhằm bù đắp cho ngân sách nhà nước. Động thái này làm tỷ trọng thuế gián thu tăng lên và đi ngược với xu hướng công bằng của hệ thống thuế.

Để giảm bội chi ngân sách nhà nước, nhóm nghiên cứu chỉ rõ: có hai biện pháp là tăng thu và giảm chi. Trước mắt Chính phủ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước.

Mặc dù các biện pháp này đã được nêu ra tại nhiều báo cáo và nghiên cứu, nhưng khả năng thực thi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, tỷ trọng thuế trực thu đang giảm rất nhanh, nhất là từ sau năm 2011. Cụ thể, tỷ trọng này đã giảm xuống mức 35% trong tổng thu thuế, trong khi tỷ trọng thuế gián thu đã tăng lên mức gần 65% tổng thu thuế./.