Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 vừa qua tăng thấp nhất từ đầu năm tới nay đang nhen nhóm hy vọng CPI sẽ  hạ nhiệt trong những tháng tới, thì những ngày qua giá một số mặt hàng thực phẩm bất ngờ tăng mạnh đang khiến người tiêu dùng lo lắng.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Tại một chợ nội thành Hà Nội: Mới 5h30, người mua kẻ bán đã tấp nập. Người tiêu dùng giật mình khi thấy rau xanh tăng gấp 2 thậm chí là gấp 3 lần so với cách đây 1 tuần. Rau muống từ 2.000 đ lên 6.000 đ; mùng tơi, cải xanh cũng từ 2.500 đ lên tới 6.000 - 7.000 đ/mớ. Nhiều người không tin vào tai mình khi nghe chị bán rau báo giá!

rau.jpg

Giá rau xanh tăng gấp 2 đến 3 lần

Không chỉ rau xanh, một số loại thực phẩm tươi sống khác cũng tăng mạnh, nhất là thịt lợn. Chỉ mới tuần trước giá thịt mông sấn, thịt thăn là 120.000 đ/kg, nay lên tới 140.000 - 150.000 đ/kg. Các loại thịt lợn khác cũng tăng từ 5-10.000 đ/kg.

Những ngày qua, giá cứ tăng lên từng ngày. Ngay cả chị bán hàng cũng không biết vì sao tăng, khi cho biết: “Trước đây mua lợn hơi chỉ khoảng 50-60.000 đ/kg, móc hàm chỉ 70.000 đ/kg, nay lên tới 83, rồi tới tận 96.000 đ/kg. Không biết tại sao tăng, chỉ thấy chủ lò mổ báo giá tăng và kêu khan hàng nên buộc phải tăng giá bán ra”

Đáng lo ngại là không chỉ tăng giá trên thị trường bán lẻ, ngay các điểm bán bình ổn giá ở Hà Nội và TP HCM cũng liên tục phải điều chỉnh giá bán nhiều mặt hàng từ đầu tháng 7 tới nay theo giá thị trường.

“Cầu giá cao” tăng đột biến?

Đây là hiện tượng bất thường. Bởi thời điểm này mọi năm giá thịt lợn chỉ đứng giá, thậm chí là giảm do nóng nực, tiêu thụ giảm. Rau xanh cũng đang vào mùa nên nguồn cung dồi dào. Thế nhưng năm nay lại có diễn biến hoàn toàn ngược lại.

Chỉ ra những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng này tăng mạnh, ông Nguyễn Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị Trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng: đang có hiện tượng mất cân đối cung cầu trong các mặt hàng này.

Những trận mưa rào vừa qua đã làm cho nhiều diện tích rau xanh đang trong thời kỳ thu hoạch bị dập nát khiến khan hiếm nguồn hàng. Riêng đối với thịt lợn, đang xuất hiện hiện tượng đáng lo ngại là trong khi nguồn cung bị khan hiếm cục bộ do dịch bệnh thì thời gian gần đây xuất hiện "cầu giá cao” tăng đột biến kéo theo nguồn cung vốn khan hiếm càng khan hiếm theo.

Bổ sung về giá tăng do “cầu giá cao”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội dẫn chứng: thời gian này thương nhân Trung Quốc sẵn sàng sang Việt Nam mua trứng vịt với giá 32.000 đ/chục để chuẩn bị hàng làm bánh Trung Thu sắp tới, trong khi giá thị trường hiện chỉ 27.000 đ/chục, từ đó kéo giá thị trường tăng lên.

Khuyến khích sản xuất, chú trọng phân phối

Do vậy, theo ông Ánh để kéo giá các mặt hàng này xuống, cần thiết phải đẩy mạnh nguồn cung, không loại trừ dùng giải pháp tạm thời là nhập khẩu và kiểm soát xuất khẩu.

Ông Ánh cho rằng, đối với rau thì không có gì lo lắng bởi mùa vụ ngắn, chỉ 1 tháng là có thể có 1 vụ mới nên tập trung mạnh gieo trồng thì nguồn cung sẽ sớm được cải thiện. Còn đối với thực phẩm, như thịt lợn thì khó khăn hơn vì tính chất chu kỳ dài hơn… Do vậy biện pháp đảm bảo nguồn cung tức thời thì có thể tính đến phương án cho nhập khẩu thịt lợn.

Bên cạnh đó cần làm rõ nguồn “cầu giá cao” tăng đột biến thời gian qua do đâu để ngăn chặn. Bởi nguồn cầu này đang tác động tiêu cực: vừa một mặt càng làm mất cân đối cung – cầu, vừa đẩy giá lên cao.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN-PTNT thừa nhận: 6 tháng qua, tổng đàn lợn trên cả nước giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, do giá thịt lợn ở miền Bắc cao hơn miền Nam nên thương lái đã gom hàng nghìn con lợn đưa ra thị trường miền Bắc làm nguồn cung thịt lợn phía Nam cạn dần.

Tại một số tỉnh biên giới phía Bắc còn có hiện tượng thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản, do nước này hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, giá lương thực, thực phẩm trở nên đắt đỏ. Tình trạng này dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số nơi khiến cho giá bán của một số thực phẩm trên thị trường tăng.

Việc thương lái đẩy mạnh thu gom thịt lợn với giá cao khiến mặt hàng này khan hiếm

Tuy nhiên, ông Giao khẳng định rằng, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa. Và cách bình ổn tốt nhất hiện nay là thúc đẩy chăn nuôi tại các vùng trọng điểm để tăng cung cho thị trường.

Cùng quan điểm này, song đứng về phương diện thương mại, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần chú trọng tổ chức lại hệ thống phân phối để giảm bớt các đầu mối trung gian, giảm chi phí.

Dẫn ví vụ về việc ngư dân Phú Yên lăn lộn giữa biển Đông cả tháng trời chỉ được hơn 10 tấn cá với tổng giá trị là 80 triệu đồng, tính ra xấp xỉ có 8.000 đ/kg, nhưng qua thương lái, tới thị trường giá lên tới 40.000 đ/kg, cho thấy các giải pháp bình ổn giá sẽ không phát huy tác dụng nếu không kiểm soát được hệ thống phân phối.

Theo ông Phú, nạn ép giá bây giờ diễn ra công khai và lan rộng. Người nông dân và người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất. Trong những giai đoạn như vậy, Nhà nước cần giao cho các Tổng Công ty Thương mại Nhà nước trực tiếp tổ chức thu mua cho nông dân.

Mặt khác trợ cước, trợ giá cho nông dân để khuyến khích sản xuất. Lâu dài phải tổ chức lại mạng lưới phân phối cho khoa học, cắt bớt trung gian. “Cái khổ nhất của chúng ta là: Hàng hóa có nhưng giá cả vẫn tăng cao do ách tắc lưu thông”.

Nhìn lại 6 tháng qua, nhóm hàng lương thực thực phẩm luôn dẫn đầu trong các nhóm hàng tăng giá. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong kiểm soát giá tiêu dùng những tháng còn lại của năm là kiềm chế tăng giá nhóm hàng này. Nếu không mục tiêu kiềm chế CPI dù đã được nới rộng cũng khó đạt được./.