Ngày 20/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Công bố Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp". 

vov_img_6653233333_qqwu.jpg
Hội thảo "Công bố Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp".
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa đồng đều tại các lĩnh vực, địa phương. 

Khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh về các lĩnh vực khác nhau của Nghị quyết 19, có 11 lĩnh vực được liệt kê, 2 lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể. 

Kết quả trung bình cộng cảm nhận của doanh nghiệp về 11 lĩnh vực nêu trên có thể thấy thước đo sơ bộ về nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19 tại các địa phương. Theo đó một số tỉnh, thành phố được cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao là: Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An. Khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận tích cực nhất là ĐBSCL. 

Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 15/8/2018, thời hạn mà Thủ tướng giao cho các bộ, đã có 16 Bộ có báo cáo về việc rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngoài 2 bộ Công an và Quốc phòng không đề nghị cắt giảm, các Bộ khác đều đưa ra phương án cắt giảm theo hình thức một nghị định sửa nhiều nghị định. Tính đến hết tháng 10/208, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành thuộc các lĩnh vực Công Thương, Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên Môi trường, Giáo dục, Giao thông vận tải, Nông nghiệp. 

Mặc dù hầu hết các bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thì không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ. 

Về phía doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, vẫn có đến 58% số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó có 42% cho biết họ gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

Trong cải cách kiểm tra chuyên ngành, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), mặc dù có hàng nghìn thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các loại hàng hóa nhưng tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện trên cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục.

Tuy nhiên, trong 68 thủ tục này thì chỉ có duy nhất 1 thủ tục (khai báo hóa chất) thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác, dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm bản giấy. Như vậy, mức độ cải cách rất chậm.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong việc thực hiện Nghị quyết 19 và 35, kết quả cải cách thực chất không nhiều, chiếm khoảng 40% và con số này vẫn cao hơn so với thực tế.

Nói chung, quá trình cải cách còn chậm và phải chi phí quá cao về tiền của, sức lực, con người trong bộ máy Nhà nước, tốn nhiều giấy mực của báo chí để nói đến về việc thực hiện Nghị quyết. Đến thời điểm này, kết quả nhận được không nhiều so với những gì bỏ ra.

Bà Lan tính toán, chỉ riêng Nghị định 15 về sửa đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí được 3.700 tỷ/năm. Với 15 nghị định xóa bỏ điều kiện kinh doanh nếu nhân với 3.700 tỷ thì con số sẽ là 55.500 tỷ. 

Như vậy, 3.700 tỷ đã mất trong 5 năm liền trước khi đạt được các cải cách về  điều kiện kinh doanh.  Nếu làm phép tính đơn giản là nhân với 5 năm tồn tại nghị định của nghị định trước đó và nhân với 15 nghị định mà chúng ta đưa ra thì sẽ ra con số khổng lồ mà xã hội đã mất đi. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: “Chúng ta hay dùng cụm từ “trên nóng, dưới lạnh” nhưng mong rằng, trên hãy “nóng” hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh. Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, nếu Nhà nước không thay đổi được thể chế để tương thích với thể chế của các Hiệp định mới mà Việt Nam tham gia thì sẽ không thể vươn lên để tận dụng các cơ hội. Khi đó các khó khăn, thách thức sẽ đè nặng lên cộng đồng doanh nghiệp. 

Ngoài ra, để bảo vệ lợi ích của mình, Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tiếp tục “nóng” lên, tích cực chia sẻ với VCCI, cùng nhau liên kết lại và lên tiếng nhiều hơn về các vấn đề chung của doanh nghiệp”./.