Ngày 6/8, tại Hà Nội diễn ra toạ đàm: “Một số giải pháp thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế. Toạ đàm nhằm chỉ ra những tồn tại đang ảnh hưởng tới kết quả của cuộc vận động và kiến nghị những giải pháp trong thời gian tới.

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia nhận định, sau 1 năm triển khai cuộc vận độngNgười Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp trên cả nước đã có những động thái tích cực thúc đẩy việc sản xuất nhiều mặt hàng phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng Việt Nam; Cải tiến cách phân phối hàng hoá, tổ chức triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp với thị trường nước ta.

Qua cuộc vận động, doanh thu của một số hàng nội như dệt may, thực phẩm, bánh kẹo… đã tăng lên rõ rệt. Thị trường nông thôn là thị trường đầy tiềm năng bị bỏ ngỏ bấy lâu nay đã được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Đây thực sự là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp Việt Nam để khuyến khích họ tích cực cải tiến hơn nữa về mẫu mã, chủng loại hàng hoá, đáp ứng được cao nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Tôi đánh giá rất cao một số hàng sản xuất tại Việt Nam. Những hàng nào thực sự có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì không có lý do gì ta phải mua ở nước ngoài. Để khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, vấn đề thông tin cho nhân dân hiểu là rất quan trọng. Tiếp đó là phân phối, các tổ chức, nhà sản xuất của Việt Nam phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng phân phối và tiếp thị của mình”.

Tại buổi toạ đàm, một vấn đề mà nhiều chuyên gia quan tâm đó là vấn đề nhập khẩu của Việt Nam. Trong 1 năm diễn ra cuộc vận động, khi mà các cơ quan Nhà nước liên tục nhấn mạnh về việc chỉ cho phép nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được thì những mặt hàng tiêu dùng thông dụng với chất lượng thấp vẫn đang hàng ngày, bằng mọi con đường được nhập vào Việt Nam như: muối, thức ăn chăn nuôi, tăm tre… Đây là một trong những yếu tố cản trở sản xuất trong nước phát triển.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc cải tiến, hiện đại hoá công nghệ sản xuất là một việc làm cần thiết, có tính quyết định khả năng hoạt động của các doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Vấn đề này đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, có sự liên kết hợp lý giữa các ngành và đặc biệt là có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là việc làm rất cần thiết nếu muốn phục hồi, phát triển hàng nội và chinh phục người tiêu dùng trong nước.

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định: “Theo dự báo của các chuyên gia cũng như của chính Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trong vài năm tới, thị phần cũng như vai trò của các hình thức bán lẻ truyền thống vẫn còn tiếp tục khá lớn ở Việt Nam. Vì vậy, từ phía Hiệp hội cũng như các thành viên chúng tôi rất ý thức được việc làm thế nào để chúng ta có thể mở rộng phát triển mạng lưới bán lẻ ở khu vực này. Từ góc độ làm sao có thể đưa được sản phẩm Việt, hàng Việt về các khu vực đó cũng là một câu hỏi rất lớn mà chúng ta cần phải quan tâm”./.