Năm 2008 được Chính phủ chọn là năm trọng điểm quan hệ với Trung Đông và năm 2009 là năm trọng điểm về châu  Phi. Bộ Công thương đã chỉ đạo Thương vụ tại khu vực này tăng cường xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu với các khu vực này.

Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Ai Cập đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Quang Dương về hoạt động thúc đẩy thương mại với khu vực Trung Đông và châu Phi trong thời gian tới.

PV: Thưa thứ trưởng, năm 2009, Chính phủ xác định là năm trọng điểm về châu  Phi, vậy Bộ Công thương có chương trình cụ thể như thế nào ?

Thứ trưởng Lê Quang Dương: Bộ Công thương đã có đề án chi tiết tăng trưởng xuất khẩu đối với thị trường châu  Phi, và cả thị trường Tây Á và Nam Á. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công thương đang nghiên cứu hoàn thiện việc ký kết các thỏa thuận, hiệp định ở cấp Chính phủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thâm nhập thị trường này. Các hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm cũng đang được Bộ Công thương tích cực triển khai.

Bộ Công thương tiếp tục củng cố hoạt động của các thương vụ, tăng cường thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp. Các biện pháp này được tập trung đối với thị trường châu  Phi. Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ công thương sẽ mở một số thương vụ ở khu vực này.

Bộ đã chỉ đạo các thương vụ ở khu vực châu  Phi tiếp tục xác định nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam cũng như của châu  Phi để tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại. Bộ Công thương đã tính tới việc mời các bộ, doanh nghiệp, hiệp hội của các nước trong khu vực này thăm và tìm hiểu thị trường Việt Nam. Qua các hoạt động này, giúp doanh nghiệp hai bên trao đổi thông tin.

Hoạt động hội thảo, triển lãm cũng góp phần tích cực thúc đẩy xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Công thương cũng cử các đoàn, mời các doanh nghiệp tham giam gia khi các nước trong khu vực châu  Phi tổ chức.

PV: Cuộc khủng hoảng tài chính thế giời vừa qua đã ảnh hưởng tới các nền kinh tế, vậy Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương vụ khu vực châu  Phi, Tây Á và Nam Á làm gì để ổn định và tăng kim ngạch xuất khẩu?

Thứ trưởng Lê Quang Dương: Ước tính cả năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu  Phi, Tây Á, Nam Á đạt 3,2 tỷ USD, tăng 86% so với năm 2007, trong đó, xuất khẩu sang một số thị trường  tăng như: Ấn Độ, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nam Phi và Algeria.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua đã ảnh hưởng tới hoạt động trao đổi thương mại, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu  Phi, Tây Á và Nam Á. Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn đặt kế hoạch tăng kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực này. Dự kiến xuất khẩu năm 2009 sang thị trường này đạt 3,8 tỷ USD. Đề thực hiện kế hoạch này, Bộ Công thương tiếp tục xây dựng đề án phát triển thị trường châu  Phi, như đã làm với thị trường trọng điểm Trung Đông trong năm 2008.

Trong hội nghị giao ban tham tán thương mại khu vực châu  Phi, Tây Á và Nam Á tại Dubai ngày 22/12, chúng tôi đã chỉ đạo các tham tán: chủ động xây dựng kế hoạch nhằm hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường sở tại; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin cần thiết về thị trường, mặt hàng, rào cản thương mại và biện pháp khắc phục (nếu có) cho các doanh nghiệp hai nước; nắm chắc nhu cầu của thị trường để cung cấp thông tin kịp thời và tư vấn cho doanh nghiệp cách thức thâm nhập vào các kênh phân phối hoặc cách thức để đưa hàng hoá nhập khẩu vào thị trường một cách có hiệu quả hoặc sớm cảnh báo những rủi ro cho các doanh nghiệp.

Các thương vụ tăng cường phối hợp với Đại sứ quán hoặc các bộ, ngành, tổ chức hoặc hiệp hội doanh nghiệp tại nước sở tại để khuyến khích và động viên họ tổ chức các đoàn thương mại sang Việt Nam tìm hiểu thị trường và gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp thảo luận cơ hội hợp tác kinh doanh.

PV: Thưa thứ trưởng, để thực hiện năm trọng điểm châu  Phi, Bộ Công thương có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào?

Thứ trưởng Lê Quang Dương: Bộ Công thương thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Chương trình này tạo điều kiện và hỗ các doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu và khảo sát thị trường ở khu vực châu  Phi. Bộ công thương và Cục xúc tiến thương mại có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng vào giới thiệu và bán tại các nước ở khu vực này.

Điều đặc biệt quan trọng là thông tin, bởi hiện nay thông tin thì nhiều nhưng những thông tin mà doanh nghiệp cần thì không có hoặc có nhưng khó tìm. Do đó, Bộ công thương đã và đang tăng cường cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử thị trường ngoài nước. Những thông tin này do thương vụ Việt Nam ở các nước cung cấp.

Bộ Công thương cũng có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

PV: Xin cảm ơn ông.