Thực tiễn sản xuất kinh doanh hơn 2 năm qua càng khẳng định tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính – để tốc độ phục hồi tăng trưởng hiệu quả sớm hơn, tạo đà tăng tốc cho từng doanh nghiệp, lĩnh vực-ngành nghề và toàn nền kinh tế.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, tại hầu khắp các tỉnh, thành phố. Tỉnh Khánh Hoà, với đặc trưng kinh tế biển-kinh tế du lịch là ví dụ. Hơn 2 năm qua, địa phương này thường xuyên trong tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng: 2020 âm 10%, 2021 âm 5,8%.

Tuy nhiên, với những chủ trương hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, cùng nỗ lực tự thân, Khánh Hoà đang dần phục hồi, phát triển kinh tế. Hiện tỉnh đang tiếp tục huy động phân bổ và quản lý hiệu quả các nguồn lực tài chính, cân đối ngân sách để chủ động thực hiện Nghị quyết 11, tập trung đảm bảo các chính sách hỗ trợ đầu tư.

Đáng chú ý, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,1% năm nay, Khánh Hoà đã có những giải pháp cụ thể, trong đó, cải cách thủ tục hành chính được coi là giải pháp hữu hiệu. Tương tự là Bình Dương. Là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch, Bình Dương đang nỗ lực lấy lại vị thế “thủ phủ công nghiệp, với tiềm năng đô thị thông minh” bằng nhiều giải pháp, quan tâm cải cách thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Chúng tôi sẽ đảm bảo an sinh xã hội và việc làm cho người lao động. Chúng tôi sẽ mở cửa kinh tế, gắn liền nâng cao y tế dự phòng, thực hiện bao phủ vaccine. Thứ 2 là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy đầu tư công. Thứ 3, hỗ trợ các doanh nghiệp để tạo đà phục hồi và phát triển. Chúng tôi sẽ làm sao để hạ giá thành dịch vụ logistics, tài chính, thuế, hải quan, cải cách và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp".

Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, các tỉnh thành phố như Khánh Hoà, Bình Dương đã có những giải pháp cả ngắn hạn và lâu dài cho tiến trình phục hồi tăng trưởng, đóng góp vào khôi phục kinh tế đất nước, trong đó, quan tâm tới cải cách thủ tục hành chính là giải pháp “nền tảng”.

"Ở đây chúng ta thấy rõ những kế hoạch rõ ràng, mang tính dài hạn, ví dụ các vấn đề về đầu tư, tập trung vào cơ sở hạ tầng, đầu tư công hay tập trung vào điểm yếu đã nhìn thấy trong quá trình diễn ra đại dịch như ý tế cơ sở. Và tôi cũng nhìn thấy những nền tảng để tỉnh có thể tự tực tự cường, đấy là chiến lược về chuyển đổi số, các biện pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính – sâu xa hơn đây chính là cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này cũng đã thể hiện ra 1 số kết quả mà chúng ta đã thấy, đó là sự phục hồi của các doanh nghiệp, rất ngoạn mụ - Có những doanh nghiệp, những ngành phục hồi đến 80% so với trước đại dịch" - PGS. TS. Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đồng thuận quan điểm, “tăng cường hỗ trợ cải cách hành chính là giải pháp hữu hiệu đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt sau Covid-19, bởi thực tế vì tiêu hao quá nhiều nguồn lực cho các thủ tục, giấy tờ hành chính, doanh nghiệp không có nguồn lực để tái đầu tư, chuyển  đổi số, hội nhập quốc tế hay vươn ra biển lớn”.

Làm thế nào để tạo động lực cho toàn cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta không thể nói là doanh nghiệp cứ phải làm thế này, làm thế này, trong khi nguồn lực người ta không có. Quy hoạch, hoạch định của Chính phủ vẫn là quan trọng bởi đấy cũng là 1 dạng hỗ trợ. Có rất nhiều câu chuyện, nào là giấy phép trong ngành này, đáng ra nhu cầu chỉ 100 giấy phép nhưng lại xuất hiện tới 200 giấy phép. Thành ra doanh nghiệp lại bị tiêu hao rất nhiều nguồn lực trong việc này. Vì đấy, cần xét tổng thể trong vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp   

Không phải đến thời điểm Covid-19 xuất hiện – tác động tiêu cực tới hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, vấn đề cải cách thủ tục hành chính mới được nhận diện là giải pháp hiệu quả thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh. Từ nhiều năm nay, đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Chính phủ đã xác định “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, nên coi trọng tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, làm động lực phát triển.

Thực hiện yêu cầu này, tính đến giữa năm 2020 – năm đầu tiên chịu tác động từ đại dịch, các Bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa được 3.893 trên tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776 trên tổng số 9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kinh doanh – với những đề xuất, kiến nghị cụ thể từ giới chuyên gia, doanh nhân cho thấy, đây vẫn là vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập, rào cản, cần tiếp tục được triển khai quyết liệt hơn nữa – với những giải pháp “vượt trội”, để môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ hơn, trong thời gian tới –  là bàn đạp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, không chỉ sau đại dịch./.