Phát biểu khai mạc chương trình, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng bày tỏ vui mừng trước sự tham dự đông đảo của các vị đại biểu, doanh nhân hai nước Việt Nam và Séc và cả doanh nhân người Việt Nam đang sinh sống làm ăn tại Cộng hòa Séc. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong việc khai thác cơ hội, thách thức do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại hai bên, đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế do những tác động của đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine và các cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia...
Kể từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung, Cộng hoà Séc nói riêng có những bước phát triển rất tích cực. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Đại dịch Covid-19, hai năm qua, kim ngạch xuất nhấp khẩu giữa Việt Nam với CH Séc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2020 đạt 1,51 tỷ USD (tăng 22%) và đạt 2,08 tỷ USD vào năm 2021 (tăng khoảng 38%), 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,25 tỷ USD, (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước). Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các doanh nghiệp hai nước đã và đang khai thác hiệu quả những cơ hội mà EVFTA mang lại.
Đồng tình với quan điểm này, ông Michal Prokop, đại diện Bộ Công Thương Séc bày tỏ vui mừng khi hai quốc gia đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua về lĩnh vực kinh tế - thương mại. Ông cho rằng, hai bên đã và đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước.
“Sự hợp tác giữa hai nước đã đạt nhiều thành công trong thời gian qua mà điều này được thể hiện rất rõ trong sự tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước. Buổi hội thảo có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp hai bên trong các dự án cụ thể. Chúng tôi có thế mạnh về công nghiệp sản xuất ô tô, các thiết bị xử lý môi trường, sản xuất năng lượng… Đây là những lĩnh vực chúng tôi đã và đang có sự hợp tác với các bạn. Chúng tôi cũng mong muốn doanh nghiệp hai bên tận dụng cơ hội này để tiếp tục mở rộng hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực khác mà hai bên có tiềm năng phát triển.” ông Michal Prokop chia sẻ.
Đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam sang tham dự diễn đàn này, TS. Luận Thùy Dương cho rằng, sự kiện này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Công Thương Séc, các doanh nghiệp Séc đối với Việt Nam. Bà cho rằng, thị trường Séc sẽ là thị trường niềm năng trong thời gian tới với các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt về lĩnh vực may mặc, công nghiệp… Tuy nhiên, bà cho rằng, vẫn còn nhiều nội dung cần được hai bên làm rõ và có sự trao đổi cụ thể để tiến tới hợp tác toàn diện và hiệu quả hơn trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã được triển khai từ tháng 8/2020.
“Đây chỉ là tiền đề cho sự hợp tác, vẫn còn nhiều vấn đề mà doanh nghiệp VN phải nỗ lực vào thị trường này như đảm bảo các tiêu chuẩn của châu Âu. Việc đầu tiên chúng ta có các hiệp định và thỏa thuận đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu và ngược lại. Đó là sự hợp tác hai chiều và rất thuận lợi dựa trên các thỏa thuận đã có. Tuy nhiên, khi có thỏa thuận thì cơ hội mở ra đồng thời cho cả hai bên cũng như có sự cạnh tranh rất cao, nhưng chúng ta phải hiểu rằng được ưu đãi cũng nghĩa là chúng ta cần phải có các quy định chặt chẽ”, TS. Luận Thùy Dương cho biết.
Tại diễn đàn này, các doanh nghiệp Việt Nam và Séc sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất về tổng quan của nền kinh tế hai nước, cũng như tình hình thị trường, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia; những vấn đề mà các doanh nghiệp hai nước quan tâm. Các đại biểu cũng đã nêu những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp hai nước trong việc triển khai các hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, logistic, giáo dục, xây dựng… Đồng thời, thảo luận các biện pháp tháo gỡ các khó khăn cũng như tăng cường trao đổi thông tin hai chiều để tiến tới các hợp tác thực chất, hiệu quả trong tương lai./.