Phát biểu tại Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 chiều 4/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá điện, xăng đều tác động không nhỏ đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ nên cần đưa vào danh mục bí mật nhà nước của ngành Công Thương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Chỉ "mật" văn bản xin ý kiến tăng giá điện, xăng. |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hảicho hay, dự thảo danh mục bí mật nhà nước của ngành Công Thương có 2 mặt hàng là xăng dầu và điện. Cụ thể là phương án để tính toán, trình cấp thẩm quyền trước khi công bố một cách chính thức.
"Hiện giá bán xăng dầu đang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng của người dân. Biến động giá xăng dầu liên quan trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát CPI. Đặc biệt xăng dầu tác động trực tiếp đến đời sống người dân nên dễ dẫn đến lạm phát kỳ vọng tăng nên cần lưu ý", ông Hải nói.
Tương tự, giá điện cũng có tác động không nhỏ đến chỉ tiêu lạm phát do Chính phủ điều hành, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, dễ đẩy lạm phát kỳ vọng, tác động không nhỏ đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
"Chính vì vậy, Bộ đã đề xuất đưa điều hành giá điện, xăng dầu vào danh mục bí mật nhà nước của ngành Công thương", ông Hải nêu rõ.
Căn cứ, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải là khoản 5 Điều 2, Quyết định 106-2008 của Thủ tướng về danh mục bí mật nhà nước, độ tuyệt mật, tối mật trong ngành Công thương, trong đó nêu rõ văn bản Bộ Công thương gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xin ý kiến chỉ đạo về chính sách hàng hóa, giá một số mặt hàng trọng yếu chưa công bố.
Một căn cứ khác là khoản 23 Điều 1 Thông tư 1534-2008 của Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước, độ mật của ngành Công thương quy định rất rõ các loại chỉ số về giá cả, phương án chỉ đạo về giá, điều chỉnh giá chưa công bố.
"Còn công bố rồi thì đưa công khai", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Liên quan đến giá điện, phát biểu kết luận buổi họp báo, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta là nền kinh tế thị trường nên không thể bao cấp và bù lỗ từ ngân sách mãi được".
Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều nay (4/5). |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, sự điều chỉnh giá điện phù hợp với quy luật thị trường là cần thiết, nhưng phải có căn cứ khoa học, minh bạch, và có đánh giá tác động đầu vào để công khai.
Về chuyện công khai như thế nào, mật hay không mật, Bộ trưởng Dũng khẳng định: "Văn bản ban hành ra là không mật, nhưng trong quá trình soạn thảo để chuẩn bị văn bản đó thì được quản lý là văn bản mật... Trong quá trình soạn thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, để đảm bảo an toàn tuyệt đối quá trình xây dựng cơ chế chính sách thì phải quản lý chặt chẽ như chế độ mật... Chứ không phải là văn bản không mật thì quá trình soạn thảo không mật".
Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ toàn bộ kết quả liên quan đến phương án tính toán giá điện, xác định yếu tố đầu vào, sự minh bạch, cơ sở khoa học... trong tháng 6/2019, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin./.