Kể từ hôm nay (1/1), gần 40 triệu phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm
Theo quy định, với ôtô, mức phí phải đóng thấp nhất là 130.000 đồng/tháng tháng (áp dụng cho xe dưới 9 chỗ). Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn.
Quy trình của việc đóng phí là chủ xe ôtô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Xe ôtô có chu kỳ đăng kiểm trên 1 năm, từ 18, 24 và 30 tháng, chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo từng năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm 18, 24 và 30 tháng, cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian đăng kiểm.
Đối với xe máy, mức đóng phí đường bộ 50.000 đồng/năm được áp với xe máy dưới 100 cm3; xe có dung tích trên 100 cm3 được áp khung phí từ 100.000 - 150.000 đồng. Chủ xe máy nộp phí thông qua UBND xã, phường, thị trấn.
Những xe máy được lưu hành trước ngày 1/1/2013 sẽ thực hiện kê khai từ thời điểm đó. Những xe lưu hành sau ngày này, chủ phương tiện phải kê khai theo nộp phí theo chu kỳ 6 tháng. UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức thu phù hợp với địa phương mình.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ôtô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được để lại không quá 10%. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, mỗi năm số tiền thu phí từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến trái chiều
UBND thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, thành phố đã giao cho Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan nghiên cứu để xây dựng phương án thu phí xe máy cụ thể, sau đó báo cáo lại UBND để trình HĐND thành phố.
Tuy nhiên, theo ý kiến từ UBND thành phố Hà Nội, quy định thu phí được tiến hành theo năm, việc thu phí có thể triển khai trong 6 tháng đầu năm, do vậy thành phố sẽ chưa triển khai việc thu phí ngay, mà cần được đưa ra lấy ý kiến đóng góp tại kỳ họp của HĐND thành phố vào tháng ba - tháng tư tới.
Hà Nội băn khoăn khi cho rằng, việc thu phí là vấn đề lớn, liên quan đến rất nhiều người dân, trong khi đó dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu triển khai vội vàng sẽ không hiệu quả, trước khi thu phí sẽ phải tuyên truyền thêm cho người dân đồng thuận. Hơn nữa, hiện tại nhiều lãnh đạo phường đến nay cho biết vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện thu phí.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải lại cho rằng, quy định thu phí đường bộ theo chu kỳ đăng kiểm – tức phải nộp phí khi phương tiện đăng kiểm là chưa phù hợp. Hơn nữa, việc thu phí áp trên đầu phương tiện thì dù phương tiện không lưu hành ngoài đường mà vẫn bị thu phí là hết sức vô lý.
Đại diện Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM lại đề nghị, nên thu phí sử dụng đường bộ hàng tháng, và tốt nhất vẫn là nên thu qua xăng dầu để đảm bảo công bằng, khi đó người sử dụng phương tiện lưu thông trên đường mới phải đóng phí.
Một số người dân cũng đặt ra vấn đề thu phí bảo trì đường bộ rồi thì liệu chất lượng đường giao thông có được cải thiện hay không? Và khi người dân bị tai nạn vì lý do đường xấu liệu có được Nhà nước bồi thường?./.