Sáng 11/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Lễ khánh thành Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước.
Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vân tải Đinh La Thăng dự và cắt băng khánh thành.
Bộ Trưởng Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ khánh thành |
Dự án đường Hồ Chí Minh là một trong năm công trình trọng điểm quốc gia, được Quốc hội khóa XI thông qua chủ trương đầu tư xây dựng. Đường Hồ Chí Minh là tuyến đường bộ xuyên Việt thứ hai, phá thế độc đạo của QL1; cùng với QL1 giữ vai trò trục đường xương sống Bắc - Nam, tạo thế liên hoàn vững chắc để phát triển hệ thống đường ngang, các trục hành lang Đông – Tây và cùng với đường xuyên Á tạo sự thông thương với các nước láng giềng.
Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có tổng chiều dài 663km từ Đắk Zôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Đoạn từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) có chiều dài 110km, được đầu tư trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 đến năm 2007). Đoạn từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) dài 553km, được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2. Trong đó, khoảng 134km các đoạn qua đô thị các tỉnh Tây nguyên và đoạn nối Kon Tum với PleiKu được triển khai cuối năm 2007, đầu năm 2008 và hoàn thành đầu năm 2014. Dự án còn lại 419 km chia làm 11 dự án thành phần, được đầu tư trong giai đoạn 2013 – 2015.
Bộ Trưởng Trần Đại Quang và BT Đinh La Thăng cắt băng khánh thành |
Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Sau 1 năm rưỡi triển khai xây dựng, toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên dài hơn 419 km đã được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, về đích trước tiến độ 1 năm so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2000 tỷ đồng và rút ngắn 1/3 thời gian chạy xe.
Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước nói riêng.
Là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Thành phố Hồ Chí Minh (miền Nam) và Thành phố Đà Nẵng (miền Trung), vì vậy việc xây dựng hoàn thành sớm tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực phía Nam của Tổ quốc, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Tây nguyên thu hút đầu tư; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.
Nhân dịp khánh thành đường Hồ Chí Minh Qua Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Giao Thông vân Tải, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong giám sát, thi công xây dựng công trình./.