Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đọc tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) trước Quốc hội ngày 6/6.

bo_truong_nguyen_xuan_cuong_lppm.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Một trong những nội dung mới của dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) là, quy định cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch nhằm kiểm soát nguồn lợi thủy sản tốt hơn.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định thay đổi thời hạn Giấy phép khai thác (từ 12 tháng lên 60 tháng) nhằm giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; phù hợp với tình hình thực tiễn; phù hợp với kỳ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản (05 năm).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Quy định cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nhằm từng bước quản lý sản lượng khai thác, kiểm soát có hiệu quả các nghề làm suy giảm nguồn lợi thủy sản; kiểm soát đóng mới và phát triển tàu cá theo nhóm nghề; là công cụ quản lý hữu hiệu mà phần lớn các quốc gia hiện nay đang áp dụng để quản lý nguồn lợi thủy sản.

Nguồn lợi thủy sản là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, do đó nếu được quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý sẽ đảm bảo trữ lượng nguồn tài nguyên này phát triển ổn định và bền vững. Quy định trong dự thảo nhằm phù hợp với xu hướng quản lý nguồn lợi thủy sản của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong tình hình nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mục đích của việc quy định cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch để nhằm từng bước quản lý sản lượng khai thác, kiểm soát có hiệu quả các nghề làm suy giảm nguồn lợi thủy sản; kiểm soát đóng mới và phát triển tàu cá theo nhóm nghề. Đây là công cụ quản lý hữu hiệu mà phần lớn các quốc gia hiện nay đang áp dụng để quản lý nguồn lợi thủy sản.

(Ảnh minh họa: thuysanvietnam.com.vn)

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án Luật Thủy sản, đánh giá: Các hoạt động khai thác thuỷ sản phải tuân thủ quy định chống đánh bắt bất hợp pháp. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ nội dung để luật hóa các quy định này cho phù hợp với tình hình thực tiễn của ngành thủy sản Việt Nam cũng như yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nhất trí với việc đổi mới trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và thống nhất khai thác thủy sản phải được quản lý bằng hạn ngạch để bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản hợp lý và bền vững.

"Thời hạn của giấy phép 60 tháng như quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với thời hạn điều tra, đánh giá và công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản," ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường  của Quốc hội cho biết.

Luật Thuỷ sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2004, về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản.

Nhờ đó, ngành thuỷ sản đã dần chuyển dịch từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại. Trong những năm qua, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành nông nghiệp, cũng như nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản từ 2,2 tỷ USD năm 2003 tăng lên 7,16 tỷ USD năm 2016./.