Sau 5 năm triển khai mô hình trồng tre măng mai, nhiều hộ gia đình ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái không những thoát nghèo mà còn giàu lên từ trên chính những mảnh vườn, đồi nương của mình.
Năm 2009, anh Trần Ngọc Quỳ, dân tộc Tày ở thôn Bản Khéo, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tham gia mô hình trồng tre măng mai, với trên 1000 gốc tre măng mai. Sau 5 năm, những gốc tre của gia đình anh đã cho thu nhập. Vụ măng năm vừa qua gia đình anh thu được hơn 12 tấn măng tươi, tương đương trên 1,2 tấn măng khô, đem về trên 120 triệu đồng. Ngoài trồng măng, gia đình anh còn chăn nuôi thêm lợn, gà, đào ao thả cá…mỗi năm cũng đem lại nguồn thu cho gia đình vài chục triệu đồng. Từ 2 bàn tay trắng, gia đình anh chị giờ đã làm được một ngôi nhà sàn khang trang, mua sắm được đồ dùng, phương tiện đi lại như xe máy, ti vi, tủ lạnh….
Anh Trần Ngọc Quỳ cho biết: “Lúc chưa trồng cây măng mai, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia trồng và có nguồn thu từ cây tre măng mai cuộc sống gia đình đã thay đổi nhiều và gia đình tôi sẽ tiếp mở rộng trồng loại cây này vì có giá trị kinh tế cao”.
Cũng giống như anh Quỳ, khi được chính quyền địa phương vận động trồng cây tre măng mai, một loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao, chị Sầm Thị Thường, dân tộc Tày ở Bản Khéo, xã Lâm Thượng nhận thấy gia đình sẵn có đất đồi, vốn đầu tư ban đầu không cao, dễ chăm sóc, hầu như không bệnh tật nên đã tham gia trồng 600 gốc măng. Sau 5 năm trồng, từ cung cấp giống, thu gom măng của bà con trong bản để bán ra thị trường bên ngoài, mỗi năm gia đình chị có thu nhập khoảng 150 đến 200 triệu đồng. Và cũng từ cây măng đã giúp chị trở thành một nông dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc, khai thác, chế biến cây măng như người được đào tạo bài bản.
Chị Sầm Thị Thường cho biết: “Trồng cây măng tốt nhât là vào mùa xuân vì đây là thời điểm lượng mưa đều. Lúc trồng, đối với đất bằng thì nên bón lót thêm phân NPK hoặc phân chuồng, mỗi gốc cách gốc khoảng 5 mét; nếu đất tốt thì khoảng cách này có thể xa hơn. Khi thu hoạch, mỗi gốc phải để 2 đến 3 củ măng phát triển thành cây cho sang năm mọc măng tiếp. Và sau lấy măng, tầm tháng 9, tháng 10 phải tỉa bớt những cây nhỏ ở gốc để dinh dưỡng tập trung cho cây to sang năm mọc măng”.
Không chỉ gia đình anh Quỳ, chị Thường mà nhiều hộ gia đình trong xã đã có kinh tế khá giả nhờ trồng cây măng mai. Hiện toàn xã có khoảng 80 ha, tập trung chủ yếu ở Bản Khéo, Nặm Chắn và Nặm Chọ, với tổng sản lượng hàng năm khoảng gần 400 tấn măng tươi. Đối với thị trường tiêu thụ hiện nay, các tiểu thương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận đặt mua tại nhà ngay từ đầu vụ với giá khoảng 100 đến 120 nghìn/1kg măng khô.
Để đảm bảo giá cả, thị trường ổn định trước mắt chính quyền địa phương vận động bà con nhân dân tuân thủ đúng các quy trình làm khô, không sử dụng thuốc bảo quản, chất tẩm màu làm mất hình ảnh, chất lượng và thị trường. Về lâu dài chính quyền địa phương đang tính đến xây dựng lò sấy, để giải quyết được tình trạng hiện nay hầu hết bà con dựa vào thời tiết để làm khô nên thường gặp nhiều bất lợi.
Nói về đống góp của cây măng mai đối với kinh tế của địa phương. Ông Trần Thanh Trúc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Cây măng mai hiện nay là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, bình quân mỗi búi cho thu hoạch từ 2 tạ đến 3 tạ măng tươi. Sau đó, phơi khôi bán ra thị trường với giá trên 100.000 đồng/kg, từ đó nâng cao mức thu nhập gia đình của địa phương”.
Mô hình trông tre măng mai ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần nâng cao mức sống của người dân địa phương. Nếu như được chính quyền các cấp quan tâm đảm bảo thị trường ổn định lâu dài thì đây sẽ là một loại cây trồng không những xoá đói giảm nghèo riêng ở Lâm Thượng, mà còn có thể mở rộng ra cho nhiều địa phường của vùng Tây Bắc có địa hình, thổ nhưỡng tương tự./.