Thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã có nhiều hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp (DN) không thể triển khai, chậm tiến độ hoặc không thể hoàn tất. Các tranh chấp về quyền lợi nảy sinh đã dẫn đến những xung đột, khi mỗi bên đều đưa ra những chứng cứ, nguyên do hay điều kiện bất khả kháng của dịch bệnh để từ chối thực hiện hợp đồng. Tình trạng này khiến quá trình hợp tác trở nên khó khăn, ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới.  

Không coi dịch Covid-19 là tình huống bất khả kháng

Phân tích về việc thực hiện hợp đồng trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 tại Hội nghị “Một số vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch Covid-19: Khuyến nghị đối với doanh nghiệp và giải pháp hoàn thiện” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/12, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) cho rằng, cần phải làm rõ hơn về điều khoản chung trong mối quan hệ hợp đồng giữa tình huống bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi.

Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, trong tình huống bất khả kháng, hai bên ký kết hợp đồng phải xác định đây là tình huống xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được cũng như không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, nhưng vẫn chịu tác động để không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng và bên gây thiệt hại không chịu trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại phát sinh.

“Trường hợp hoàn cảnh thay đổi quá lớn khiến việc thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại cho một bên và không thể khắc phục, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, bên có lợi ích có quyền yêu cầu bên còn lại đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Nếu không thỏa thuận lại hợp đồng, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định, hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi”, Luật sư Nguyễn Hưng Quang nêu rõ.

Để tránh các tranh chấp về hợp đồng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, Luật sư Nguyễn Hưng Quang lưu ý các DN cần theo dõi các biện pháp phòng dịch được ban hành tại từng thời điểm, cập nhật thường xuyên thông tin về thay đổi cấp độ dịch trên địa bàn DN hoạt động. Đồng thời, DN phải có phương án phòng, chống dịch và cần được thảo luận, thương lượng hoặc hòa giải với đối tác hợp đồng trên tinh thần thiện chí.

6 lưu ý quan trọng khi thực thi và kí hợp đồng mới

Từ thực tiễn những tranh chấp trong hợp đồng kinh tế thường xảy đến thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp); Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 cho rằng, đối với các DN hiện nay đang triển khai hợp đồng cần lưu ý ít nhất 6 vấn đề.

Thứ nhất, các DN phải xây dựng phương án phòng, chống dịch tuân thủ theo quy định pháp luật của Nhà nước và đề phòng với những tình huống phát sinh. Trong đó thể hiện được việc DN đã cố gắng áp dụng những biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép để ngăn chặn dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của DN mình.

Thứ hai, DN cần rà soát lại tất cả các hợp đồng đang còn hiệu lực để tính đến các phương án khác nhau; đồng thời lưu giữ được những chứng cứ của cơ quan Nhà nước, các đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng như phản ứng của khách hàng.

Thứ ba, DN cần có phương án kinh doanh hợp lý gắn với hoạt động đã triển khai để các đối tác biết rằng, trong điều kiện không thể cung cấp được 100% sản phẩm hàng hóa cho đối tác theo hợp đồng, nhưng DN đã có kế hoạch, dự kiến năng lực sản xuất và thể hiện tính chủ động của DN từ rất sớm.

Thứ tư, DN luôn phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và nhanh chóng với các đối tác có liên quan, bởi nguyên tắc của hơp đồng kinh tế phải yêu cầu có pháp luật hợp đồng.

Thứ năm, DN phải xác định việc đàm phán, thương lượng bởi một trong những nguyên tắc của pháp luật hợp đồng là thiện chí. Trong bối cảnh hiện nay đã có rất nhiều DN sẵn sàng chia sẻ nhưng trên tinh thần thiện chí, thương lượng đàm phán hợp lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh có liên quan.

Cuối cùng, nếu quá trình thương lượng, đàm phán không thành công, các DN cũng phải sẵn sàng chủ động, kịp thời để đưa vụ việc tranh chấp đến cơ quan tài phán có thẩm quyền để giải quyết.

Đối với các DN sẽ ký hợp đồng trong thời gian tới, TS. Nguyễn Thanh Tú lưu ý không thể lấy lý do dịch Covid-19 hoặc giãn cách xã hội là yếu tố bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi. Bởi hiện tại ai cũng biết rằng, dịch Covid-19 vẫn có thể xảy ra vì đây là tình huống chưa có tiền lệ và có thể lặp lại. Chính vì vậy, phía cung cấp hàng hóa dịch vụ khi ký kết hợp đồng cần cố gắng thiết kế những quy định đảm bảo tính hài hòa, chủ động xử lý được những tình huống xảy ra ngoài tầm kiểm soát, tuyệt đối không coi dịch Covid-19 là điều kiện bất khả kháng.

“Vấn đề đàm phán, thương thảo để đi đến kí kết được hợp đồng mới trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. DN tùy thuộc vào nhu cầu, phương án kinh doanh cũng như vị thế của mình trong mối quan hệ với các đối tác có thể chấp nhận những điều khoản chưa được thuận lợi để ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, trong điều khoản chung của hợp đồng nhất quyết không thể đưa vấn đề dịch Covid-19 là điều kiện bất khả kháng. Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế cũng sẽ nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc trong pháp luật hợp đồng hiện nay để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các phương án nhằm giải quyết quyền lợi một cách công bằng và hợp lý nhất, TS. Nguyễn Thanh Tú nêu rõ.

Góp ý hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng, Thạc sỹ Lê Thị Hoàng Thanh, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, cần thiết kế, định hình lại cấu trúc của hệ thống pháp luật để giải quyết được các vấn đề. Làm rõ phạm vi điều chỉnh, mối liên hệ giữa các đạo luật như Luật Đất đai với các đạo luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản; Luật Đầu tư với các văn bản luật về đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, bất động sản, chứng khoán, tín dụng, kinh doanh bảo hiểm, dầu khí…qua đó tránh sự chồng lấn phạm vi điều chỉnh của các đạo luật và có nguyên tắc ứng xử rõ ràng khi gặp tình huống nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh về một vấn đề./.

Hội nghị “Một số vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch Covid-19: Khuyến nghị đối với doanh nghiệp và giải pháp hoàn thiện” là hoạt động triển khai nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được Chính phủ giao tại Điểm G, Khoản 3, Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ DN, HTX, Hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và thực hiện Kế hoạch số 4696/KH-HTPLL ngày 13/12/2021 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV.

Hội nghị nhằm trao đổi những vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch Covid-19; tăng cường các giải pháp hỗ trợ pháp lý góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các DNNVV trong bối cảnh dịch Covid-19.