Trong khi nhiều lao động ngành công nghệ thông tin sẵn sàng tham gia thị trường lao động, thậm chí cả học sinh, sinh viên thuộc lĩnh vực đào tạo này có thể làm việc bán thời gian, thử sức khi còn ngồi trên ghế nhà trường và chấp nhận thử thách ở mức lương thấp với mong muốn được tham gia thị trường lao động....thì nhiều doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin vẫn không tìm đủ nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Theo nhiều sinh viên chia sẻ:
- "Nguyễn Vũ Anh -sinh viên Khoa công nghệ thông tin, Trường trung cấp kỹ thuật tin học Estih cho biết, em đến đây muốn trải nghiệm cách đi xin việc và nếu tìm được việc làm thêm thì cũng rất ưng í. Được tuyển, em nghĩ mình sẽ làm về mảng thiết kế logo và làm về photoshop. Họ tuyển với mức lương 4 - 6 triệu/tháng, giảm một chút so với mọi người. Em nghĩ là phù hợp với khả năng, vì em muốn được đi làm để có kinh nghiệm, sau này ra trường có thể tìm được việc như mong muốn".
- "Trong khi đó, Lê Tuấn Anh - sinh viên khoa Trung cấp nghề, trường Giao thông công chính Hà Nội. Là sinh viên năm cuối, em tìm đến phiên giao dịch này với mong muốn tìm việc phù hợp, liên quan đến công nghệ thông tin. Em cũng đã tìm được nhiều thông tin có ích cho bản thân. Em mong muốn trở thành một nhân viên lập trình".
- "Còn ban Trần Thị Hoa - sinh viên năm thứ 2, trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội đang tìm kiếm thông tin về nghề nghiệp, công việc phù hợp với bản thân mình về công nghệ. Qua đó, giúp em biết được doanh nghiệp chính xác hơn, giúp em biết được yêu cầu của thị trường và có thể giúp em tìm được việc ngay lập tức".
Qua những chia sẻ vừa rồi cho thấy, nhiều lao động là học sinh, sinh viên ngành công nghệ thông tin sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Thế nhưng, việc tìm được nhân lực đáp ứng nhu cầu, với các doanh nghiệp công nghệ thông tin lại không dễ dàng.
Ông Lê Duy Thứ, trưởng Ban công nghệ, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ Thăng Long cho biết, trong tháng 1 và 2/2021, đơn vị có nhu cầu tuyển 100 kỹ sư công nghệ thông tin, nhưng việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp dứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông Thứ, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này tăng cao khi Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ 4.0, các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin ra đời ngày càng nhiều, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu về nhân lực không đáp ứng đủ.
"Từ trước tới nay, Công ty đã thông qua nhiều kênh để tìm nhân sự, như tìm đến trang mạng trực tuyến để thuê các công ty dịch vụ về cung ứng việc làm và tận dụng các mối quan hệ khác để tìm kiếm nhân lực. Nhưng tôi đánh giá nguồn nhân lực ở Việt Nam đang thiếu.
Cộng thêm việc thời gian gia Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số nên hàng ngày nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin mọc lên, chính vì vậy cạnh tranh về nhân sự rất khốc liệt. Và bản thân công ty Thăng Long đang phát triển rất nhanh nên công tác tuyển dụng của chúng tôi không đạt chỉ tiêu đề ra" - ông Thứ nêu rõ.
Khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang dẫn đầu trong các ngành nghề, với hơn 1.000 chỉ tiêu mỗi tháng.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Đánh giá sơ bộ của Sở cho thấy, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp có ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin từ sau dịch Covid-19 có xu hướng tăng mạnh, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao lại sụt giảm.
Hiện nay, khoảng 20 doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Các vị trí đang thiếu hụt là lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin, nhân viên thiết kế, nhân viên kỹ thuật...
Ông Nguyễn Hồng Dân cho biết: "Sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp hoạt động có sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin lớn thì lực lượng lao động- nguồn nhân lực chất lượng cao bị sụt giảm. Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng về nguồn nhân lực chất lượng cao, người lao động mà học trong ngành nghề công nghệ thông tin thì chiếm đại đa số. Do đó, chúng tôi sẽ tham mưu với ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đề án tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kết nối cung cầu lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động".
Nếu trước đây, doanh nghiệp công nghệ thông tin thường tuyển dụng lao động nam nhiều hơn, thì gần đây nhu cầu tuyển dụng lao động nam giới và nữ giới tương đương nhau. Điều này cho thấy do thiếu hụt nhân lực, canh tranh về nhân sự, các tiêu chí tuyển dụng, giới tính không còn quan trọng. Yêu cầu chính đối với các ứng viên là đáp ứng được về bằng cấp và đặc biệt khả năng thích ứng của từng công việc cụ thể.
Nắm bắt được xu hướng này, cùng với việc đào tạo, nhiều nhà trường đã kết nối việc làm cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ông Phạm Tuấn Anh, trưởng Nhóm dự án học bổng “Hướng tới tương lai”, trường Đại học FPT Polytechnic cho biết: "Tỷ lệ ra trường của sinh viên trường tôi đang là 97% trong vòng 6 tháng sau khi các bạn ra trường. Trong đó, khoảng 80% các bạn có việc làm sau khi ra trường rồi. Các bạn còn lại gặp một số vấn đề thì nhà trường sẽ hỗ trợ các bạn để có việc làm trong 6 tháng.
Bên cạnh việc tạo điều kiện việc làm cho các bạn sau khi ra trường, nhà trường còn tạo điều kiện việc làm cho các bạn ngay khi còn đi học, luôn luôn có chương trình về Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp-sinh viên để ít nhất các bạn có việc làm bán thời gian ngay trong thời gian các bạn đi học".
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin tiếp tục tăng cao. Cụ thể, lực chất lượng cao cho phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin, lập trình... là những công nghệ mới mà hiện nay nhiều công ty bắt đầu nghiên cứu và đang rất thiếu.
Đặc biệt là lĩnh vực an toàn thông tin, các trường đại học ở Việt Nam gần như đào tạo không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn, nên nhiều tập đoàn lớn phải tuyển nguồn từ nước ngoài. Thực tế này cho thấy, nguồn cung nhân lực về công nghệ thông tin vẫn khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tương lai gần./.