Công ty Cổ phần Đầu tư HT Vina có trụ sở chính tại Khu công nghiệp Hapro, Gia Lâm, Hà Nội và một nhà xưởng tại Bắc Ninh, chuyên sản xuất-kinh doanh bao bì carton cho các đối tác lớn trong nước và xuất khẩu. Với tổng quy mô hàng chục nghìn m2, hơn 250 lao động, giai đoạn trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, mỗi ngày công ty có thể sản xuất 400.000 sản phẩm, doanh số hơn 40 tỷ đồng/tháng, chưa kể những hợp đồng nhỏ lẻ. Hơn hai năm qua, dù cùng chịu những tác động khách quan-tiêu cực từ đại dịch Covid-19, công ty vẫn duy trì hoạt động vì có nguồn nguyên liệu tích trữ sẵn và đảm bảo đơn hàng.

Bà Đỗ Thị Thu Trang, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Đầu tư HT Vina khẳng định, “dù doanh số có giảm so với trước, nhưng so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành hàng, HT Vina vẫn có nguồn thu ổn định. Khó khăn lớn nhất kể từ giai đoạn dịch bệnh căng thẳng cho tới nay là thiếu hụt lao động - dù ban lãnh đạo công ty không chỉ quan tâm duy trì hoạt động sản xuất, mà đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo các vấn đề phúc lợi xã hội”.

“Công ty không bị ngừng hoạt động nhưng cán bộ công nhân viên bị Covid-19 nhiều, có đợt hơn 70 người bị nên công việc cũng chuệch choạc, bây giờ đang thiếu nhiều, phải tuyển liên tục. Thứ nhất vì đơn hàng nhiều hơn, thứ 2 là 1 số nghỉ Covid-19, nhiều người về quê vẫn không trở lại”, bà Đỗ Thị Thu Trang nói.

Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Ly, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Komtek cho biết, “dù thiếu hụt lao động đã không còn là tình trạng căng thẳng như thời điểm này của năm 2021, nhưng vẫn là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp”.

“Giá xăng dầu tăng do bất ổn của tình hình thế giới, ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí DN và người lao động (NLĐ). Việc nữa, thoạt nghe tưởng không ảnh hưởng trực tiếp nhưng đúng ra ảnh hưởng lớn: vì nhân sự bị Covid-19 phải nghỉ 1-2 tuần do sức khoẻ không tốt, không ổn định. Mặc dù là những trường hợp đơn lẻ nhưng những điều đó ảnh hưởng lớn đến DN. Thực chất số nhân viên bị ảnh hưởng lên đến 20-30% chứ không ít. NLĐ trong Covid-19 đã khó khăn rồi, hậu Covid-19 càng khó do giá tiêu dùng lại tăng. Nội lực của DN là 1 phần, chính sách hỗ trợ rất là cần, hỗ trợ DN, NLĐ”, ông Nguyễn Hoàng Ly cho hay.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Vũ Thành Hưng, giảng viên cao cấp Đại học Quản trị Paris, Pháp, nguyên Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thời gian qua, dù doanh nhân - doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều nhưng các yếu tố khách quan xuất hiện ngày càng nhiều và tác động ngày càng mạnh, DN không dễ dàng xoay chuyển, rất cần sự hỗ trợ chính sách từ cấp vĩ mô.

“Đây là khó khăn kép với DN. Hiện các DN đang có sự thay đổi lớn về mặt cấu trúc tổ chức hoạt động kinh doanh. Tâm thế làm việc của NLĐ trong DN bây giờ cũng khác. Trước kia, họ gắn bó với DN, sống chết với DN nhưng qua dịch Covid-19 giờ họ nghĩ khác – không phải là lúc nào DN cũng cứu được họ. Việc huy động và tuyển dụng nhân viên của DN bây giờ không hề dễ. Vừa rồi, Chính phủ đã có những chính sách rất hay, hỗ trợ cho NLĐ. Tôi nghĩ chính sách phải làm thế nào để việc hỗ trợ phải gắn được DN và NLĐ, để sau này phải có lợi cho doanh nghiệp”, PGS.TS Vũ Thành Hưng đề xuất.

Thực tế, Chính phủ đã và đang có rất nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho công nhân - lao động nói chung như: hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3.400.000 người lao động, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, điều hành bình ổn giá xăng, dầu và giá cả các loại mặt hàng thiết yếu…, nhưng bối cảnh “khó khăn kép”, nhiều ý kiến đề xuất hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là cần nghiên cứu, thống nhất, điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu: “Phần đông người lao động đang rất khó khăn. Nhiều anh chị em phải vay nợ trong suốt thời gian Covid-19 và có 1 thực tế rất đáng suy nghĩ là khi nhà máy đóng cửa, lao động từ các thành phố lớn từ các khu công nghiệp về quê chính là thông điệp cho thấy người công nhân đang rất khó khăn, khó khăn về nhà ở, về điều kiện việc làm, do vậy, sự chung tay của toàn xã hội trong việc nuôi dưỡng người công nhân thông qua đảm bảo tiền lương, việc làm, sức khoẻ, thu nhập là rất cần thiết, là điều kiện tiên quyết để chúng ta có phục hồi được kinh tế hay không”.

Đề xuất của đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bắt nguồn từ kết quả tăng trưởng kinh tế Quý 1 với nhiều tín hiệu khởi sắc – được coi là cơ hội thuận lợi để cả giới sử dụng lao động và cơ quan chức năng nghiên cứu, thống nhất mức tăng lương tối thiểu, làm động lực để người lao động duy trì công việc và nỗ lực cho sự phát triển của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, như khẳng định của các chuyên gia, điều này không thể giải quyết nhanh chóng như mong muốn, kỳ vọng của người lao động và cơ quan đại diện người lao động, cần khảo sát, xem xét và cân nhắc trên nhiều khía cạnh.

Đặc biệt, khi những khó khăn từ đại dịch còn chưa khắc phục hết, bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, đa số doanh nhân - doanh nghiệp đang phải gồng mình bám trụ và khôi phục năng lực, sự chia sẻ của các bên liên quan trong nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Người lao động cũng không là ngoại lệ. Thậm chí, cùng với điều kiện nền tảng chính sách an sinh xã hội hiện tại, người lao động cần có trách nhiệm cao hơn, gắn bó với doanh nghiệp nhiều hơn, để có được lợi ích lâu dài./.