Xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có hơn 2.400 hộ nuôi tôm trên tổng diện tích 2.100 ha. Từ tháng 3 đến nay, toàn xã đã nuôi thả được hơn 900 ha, trong đó tôm nhiễm bệnh chết gần 670 ha.

Ông Lương Nghi Quân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chưa năm nào tôm chết nhiều như năm nay. Nhiều hộ thả đi thả lại nhưng tôm vẫn chết. UBND xã đã chỉ đạo nhân dân làm vệ sinh môi trường những vùng tôm nuôi bị thiệt hại để loại trừ mầm bệnh; khuyến cáo người dân chưa thả nuôi lúc này, chờ đến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 khi thời tiết thuận lợi có mưa nhiều thì mới tiếp tục thả lại.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kết quả phân tích bước đầu xác định nguyên nhân tôm chết hàng loạt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua là do vi khuẩn gây hoại tử gan. Bệnh lây chủ yếu ở môi trường nhiệt độ cao và độ mặn cao.

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Hảo cũng khuyến cáo người nuôi tôm cần cải tạo ao trước khi nuôi bằng cách xử lý đất trên nền đáy ao, rắc vôi nung và xử lý nước tốt để loại trừ vật chủ mang vi khuẩn nhóm Protozoa. Đồng thời chú ý tới điều kiện mùa vụ để xuống giống. Tránh nuôi thả ở nhiệt độ, độ ẩm cao hay nhiệt độ thấp và mưa dầm. Sử dụng chế phẩm vi sinh phải chú ý đến nguồn gốc, chủng loại và độ tinh sạch. Thả tôm với mật độ vừa phải, tôm giống phải được kiểm nghiệm chặt chẽ trước khi thả vào ao. Chú ý đến hệ thống quạt nước và sục khí trong ao nuôi. Bên cạnh đó, những hộ nuôi thả nhỏ lẻ phải hợp tác với nhau để trao đổi thông tin, chia sé kinh nghiệm, tránh trường hợp tôm nhiễm bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bình quân mỗi héc ta tôm công nghiệp đầu vụ bị chết gây thiệt hại khoảng 80 triệu đồng; tôm bán thâm canh mất 30 triệu đồng. Như vậy, với hàng chục nghìn ha tôm chết ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre… trong thời gian qua đã làm cho người nuôi tôm thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng./.