Trong phiên giao dịch đầu tuần (19/10), giá vàng SJC trong nước giảm nhanh về 33,98 triệu đồng/lượng cùng đà giảm của giá vàng thế giới còn 1.171 USD/ounce. Tại thời điểm này, giá vàng giảm khi chỉ số USD nhích dần lên, thoát ra khỏi mức thấp nhất kể từ tháng 8 cùng với tác động của các chỉ số kinh tế Mỹ khả quan hơn.

Sang phiên kế tiếp (20/10), giá vàng tiếp tục mạch giảm giá, giảm thêm 40.000 đồng/lượng ở Hà Nội và TP HCM, dao động quan mức 33,72-33,94 triệu đồng/lượng.

Phiên 21/10 đánh dấu sự bật tăng trở lại của giá vàng trong nước và thế giới. Vàng SJC tại Việt Nam đã nhô lên khỏi mức 34 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới tăng thêm tăng 7 USD lên ngưỡng 1.178 USD/ounce (tương đương 31,72 triệu đồng/lượng nếu quy đổi ra tiền đồng Việt Nam).

gia_vang_troi_sut_uhag.jpg
Giá vàng tuần qua (19-24/10) trồi sụt do nhiều yếu tố tác động. (Ảnh minh họa: Internet).

Tuy nhiên, trong các phiên giao dịch tiếp theo, thị trường vàng thế giới liên tục giảm trong khi vàng trong nước tặng nhẹ, khiến khoảng cách giá vàng nới rộng thêm. Ngày 23/10, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex giảm xuống mức 1.166,40 USD/ounce (tương đương 31,25 triệu đồng/lượng), thấp hơn giá vàng SJC tại Việt Nam khoảng 2,72 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần (24/10) ở ngưỡng 31,2 triệu đồng/lượng, tức thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 2,7 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, mức chênh lệch này đã tăng lên khoảng 200.000 đồng/lượng.

Các chuyên gia nhận định, giá vàng trong nước và thế giới biến động liên tục do tỷ giá USD lên cao sau khi Trung Quốc quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ 6 trong năm 2015. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại vẫn giữ nguyên lãi suất thấp kỷ lục.

Giới đầu tư hiện đang chờ đợi tin tức về khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Lãi suất cao sẽ làm giảm sức hấp dẫn của các công cụ đầu tư không trả lãi cố định, như vàng./.