Việt Nam có thế mạnh trong việc sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như vải thiều, thanh long, dưa hấu,… Gần đây, tình trạng nông sản dư thừa, ùn ứ, “bí” đầu ra và bị ép giá xảy ra khá thường xuyên. Để gỡ khó, ngoài việc tìm kiếm thị trường mới, phân phối vào các siêu thị được lựa chọn là một giải pháp quan trọng.
Đơn cử như mặt hàng vải thiều, ngành Công Thương đang đẩy mạnh đưa hàng vào bán tại các siêu thị, nơi mặt hàng này chưa xuất hiện nhiều.
Khách hàng vào siêu thị chủ yếu mua trái cây nhập khẩu
Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ đang tích cực kết nối để đưa mặt hàng vải thiều vào siêu thị. Việc này đồng thời sẽ giúp nhà sản xuất phải tuân thủ quy trình tiêu chuẩn để hàng hóa đảm bảo chất lượng. "Những siêu thị như Co.op mart trong mùa vụ năm nay mỗi ngày nhập gần một tấn quả vải vào hệ thống”, bà Thoa cho biết.
Nhìn chung, hiện tại các siêu thị lớn, số lượng và loại trái cây Việt Nam được bày bán ngày càng tăng lên, từ ổi, bưởi đến trái bơ, dưa hấu,… Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều loại trái cây được coi là thế mạnh của Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trong hệ thống này. Đơn cử như thanh long, măng cụt,… mặc dù đang được bày bán rất nhiều tại các khu chợ, đường phố, song tại siêu thị Big C, măng cụt được bày bán ở đây lại có xuất xứ từ Thái Lan. Giá bán của loại măng cụt Thái Lan này cũng chỉ từ 25.000 đồng/kg; nhìn bề ngoài cũng không có sự khác biệt so với măng cụt miền Nam nước ta.
Bên cạnh đó, phần lớn mặt hàng táo ở các siêu thị đều là táo nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ hoặc New Zealand. Giá táo nhập trung bình từ 68.000 – 100.000 đồng/kg. Điểm đặc biệt là, khách hàng vào siêu thị hầu hết đều mua trái cây nhập khẩu như táo, nho Mỹ,…
Chị Thu Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường mua trái cây tại các khu chợ hoặc các cửa hàng bán trái cây trên phố. Chỉ thỉnh thoảng vào siêu thị mua sắm đồ đạc cho gia đình và đã vào siêu thị thì phần lớn là mua trái cây nhập khẩu”.
Có thể thấy, thói quen “đi chợ” của người tiêu dùng cũng chính là một trong những trở ngại khiến cho việc đưa trái cây Việt vào siêu thị trở nên khó khăn hơn, do đây không phải là các sản phẩm được ưa chuộng tại phân khúc này.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, lấy ví dụ về mặt hàng vải thiều, cho biết, lượng vải từ các địa phương nhập vào các siêu thị là rất hạn chế, mà chủ yếu được các thương nhân vận chuyển ra thành phố, bán tại các khu chợ dân sinh, hoặc ngay trên các xe thồ. Điều này một phần là do tâm lý, thói quen mua hàng ở các chợ cóc, chợ dân sinh của người dân. Lâu nay, người tiêu dùng chỉ thích mua hàng ở gần vì thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Còn người bán hàng cũng tìm vị trí gần với những khu vực đông dân cư hay những tuyến phố nhiều người qua lại.
Một yếu tố quan trọng khác khiến việc đưa nông sản Việt vào siêu thị trở nên khó khăn, đó là người nông dân, nhà sản xuất chưa kiểm soát, đảm bảo được chất lượng hàng hóa của mình để đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị. Trên thực tế, nhiều nông sản được làm ra hiện nay chưa đảm bảo vệ sinh, chưa có bao bì, mã số, mã vạch cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Để đưa các mặt hàng này vào siêu thị, trước hết, nhà sản xuất phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa đã được qua kiểm duyệt; cũng như các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì, đóng gói. Để thực hiện lần lượt các khâu này cũng tốn khá nhiều thời gian cũng như chi phí của nhà sản xuất, nên đa phần họ đều tỏ ra khá e ngại với việc này.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, việc đưa một sản phẩm vào siêu thị có rất nhiều vấn đề. Theo đó, các nhà quản lý khi quyết định cho bày bán một sản phẩm trong hệ thống phân phối của mình thì sản phẩm này cần phải được qua kiểm duyệt kỹ lưỡng, để vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng, vừa phải đảm bảo được uy tín của nhà phân phối.
Tuy nhiên, bà Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, bắt đầu từ khâu trồng trọt, đến kiểm tra chất lượng, mẫu mã, điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… Và để các mặt hàng nông sản truyền thống nước ta có thể thâm nhập vào hệ thống siêu thị hay các kênh phân phối chính thống, bản thân một mình nhà quản lý không thể làm được./.