Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Thông tư quản lý giá sữa bột và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2017. 

Sau khoảng 1 tháng dỡ bỏ chính sách bình ổn giá sữa bằng biện pháp giá tối đa để cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu giá sữa tự quyết định mức giá bán thông qua việc đăng ký giá với Bộ Công Thương, ghi nhận tại thị trường sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi ở Hà Nội không có nhiều biến động.

gia_sua_030614_lpjz.jpg

Một số doanh nghiệp thông báo giảm giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi. (Ảnh minh họa: KT)
Còn theo Bộ Công Thương, từ đầu tháng 4 tới nay, có 2 doanh nghiệp là Công ty sữa Cô gái Hà Lan và Công ty cổ phần Sóng Thần Hà Nội gửi thông báo điều chỉnh giá sữa tới Bộ Công Thương với mức điều chỉnh giảm giá từ 3-10% so với mức giá hiện nay.

Bộ Công Thương cũng cho biết, trong khi các quy định của Thông tư chưa được thực hiện, các doanh nghiệp có thay đổi về giá sẽ gửi thông báo về Bộ Công Thương.

Để bảo đảm quản lý hiệu quả giá sữa, Bộ Công Thương sẽ quản lý giá sữa theo chuỗi, từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho tới khâu bán lẻ, trong đó tập trung vào quản lý giá sữa ở khâu bán lẻ.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, việc dừng áp dụng bình ổn giá bằng biện pháp giá trần không có nghĩa là giá sữa không được quản lý. Quy định Luật giá nêu rõ, sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá, nên vẫn quản lý giá bằng kê khai giá, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp muốn tăng trên 5%.

“Dự thảo Thông tư yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, sản xuất phải quản lý hệ thống. Nhà nước tổ chức hậu kiểm, kiểm tra yếu tố hình thành giá cũng như các yếu tố bất bình thường, còn bình thường vẫn để cho giá đi theo tín hiệu thị trường”, ông Quyền nói./.