Trong bài viết trước, VOV.VN đề cập đến thực trạng thị trường cũng thị hiếu của người tiêu dùng trước các sản phẩm đồ chơi nhập ngoại và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đồ chơi Việt Nam vẫn luôn tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Vậy doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng thời cơ này như thế nào để chiếm lĩnh thị trường trong tương lai?

Tham gia thị trường đồ chơi của Việt Nam những năm qua vẫn nổi lên một số tên tuổi lớn như Công ty Nhựa Chợ Lớn, Công ty Thiết bị Đồ chơi Giáo dục Văn Minh, Công ty ANTONA, nhựa Long Thủy, LHT, Đại Đồng Tiến… nhưng sản phẩm của các doanh nghiệp này vẫn đang thiếu chỗ đứng trên thị trường đồ chơi trẻ em.

Doanh nghiệp Việt gặp khó vì… quy định?

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường đồ chơi Việt Nam vẫn đang bị chi phối mạnh bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc khi ngành đồ chơi của Trung Quốc đang đi trước Việt Nam khoảng 5 năm. Nếu so với đồ chơi của Việt Nam, đồ chơi Trung Quốc có giá thành rẻ hơn, nhiều mẫu mã bắt kịp thị hiếu của trẻ em.

Bên cạnh đó, khoảng cách về địa lý giữa Việt Nam và Trung Quốc quá gần nhau đã tạo điều kiện tốt cho việc giao thương hàng hóa, trong đó có mặt hàng đồ chơi. Thị trường lớn và nhân công rẻ cũng tạo thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sản xuất kinh doanh mặt hàng đồ chơi tại Việt Nam.

vov_dc5_ggqx.jpg
Sản xuất và lắp ráp đồ chơi trẻ em tại Công ty CP Đồ chơi An toàn Việt.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồ chơi An toàn Việt (Quận Hoàng Mai, Hà Nội), có thể dễ nhận thấy các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc thường có giá rẻ, đi liền với chất lượng không tốt và phần lớn sản phẩm được sản xuất từ các loại nhựa tái chế gây phơi nhiễm hóa chất, làm ảnh hưởng đển sức khỏe trẻ em trong quá trình sử dụng.

Hơn nữa, nhiều sản phẩm của Trung Quốc có tiêu chuẩn chất lượng không rõ ràng, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua như một thói quen, nhất là khi nguồn cung quá nhiều, quá đa dạng và phong phú lại được tạo điều kiện bởi nhiều đơn vị phân phối vẫn còn nặng về hiệu quả kinh doanh.

“Nếu cạnh tranh sòng phẳng, đồ chơi Trung Quốc không “ăn” được sản phẩm của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam thừa sức sản xuất được các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc với chất lượng cao. Sản phẩm đồ chơi của Việt Nam gặp “khó” khi phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn làm gia tăng nhiều chi phí, trong khi sản phẩm nhập khẩu đường tiểu ngạch lại chiếm được lợi thế này. Thị trường đồ chơi trẻ em ở Việt Nam đang phục vụ cho nhu cầu của 3 - 5 triệu trẻ, chỉ cần 10% trong số này sử dụng sản phẩm của Việt Nam đã là một thành công lớn”, ông Kiên cho biết.

Mặt khác theo ông Kiên, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khiến sản phẩm luôn ra đời chậm, khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Mỗi khi doanh nghiệp khi thay đổi sản phẩm lại phải làm chứng nhận, kiểm tra chất lượng, kiểm định định kỳ 6 tháng – 1 năm.

Trong khi để nghiên cứu ra khuôn mẫu sản phẩm doanh nghiệp đã mất từ 3 – 6 tháng, để ra sản phẩm hoàn chỉnh cần 3 tháng vì thế nhiều khi sản phẩm chưa kịp đưa ra thị trường đã phải kiểm tra lại theo định kỳ, điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, phát sinh các chi phí trung gian khác khiến giá thành sản phẩm tăng cao, sản phẩm giảm sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Cần “sân chơi” bình đẳng, minh bạch

Thừa nhận việc cung cấp các sản phẩm đồ chơi của nhiều doanh nghiệp Việt chưa được đa dạng, phong phú, trong khi mỗi doanh nghiệp sản xuất đồ chơi lại có những phân khúc nhất định, ông Kiên cho biết, sản phẩm đồ chơi đang tập trung vào hai mảng phân khúc gồm đồ chơi giáo dục và đồ chơi vận động.  

Trong khi đó, qua nghiên cứu thị trường, đồ chơi cho trẻ em yêu cầu phải đa tính năng. Cụ thể là với 1 món đồ chơi nhưng phải kết hợp nhiều công dụng như vừa chơi vừa học lại mang tính vận động, có kết hợp âm thanh, hình ảnh… Chính vì thế, việc cho ra đời 1 sản phẩm đồ chơi phải trải qua quy trình nghiên cứu, thăm dò thị hiếu thị trường để sản phẩm ra đời người tiêu dùng thấy được giá trị thực sự của món đồ chơi đó.

“Qua nghiên cứu, doanh nghiệp nhận thấy trẻ em có xu hướng vừa được chơi vừa được học nên công ty tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu này”, ông Kiên cho biết.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồ chơi An toàn Việt.
Bàn về sự cạnh tranh trong thị phần đồ chơi Việt, ông Kiên cho rằng, mỗi doanh nghiệp đồ chơi cần có định hướng chuyên sâu. Việc lựa chọn sản phẩm chuyên sâu làm thế mạnh chính là tôn chỉ mục đích trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp sản xuất ôm đồm nhiều mẫu mã sẽ kéo theo sự thiếu hụt về nguồn lực, định hướng không rõ ràng dẫn đến việc không cam kết được chất lượng sản phẩm. Khi đã xác định tập trung vào sản phẩm chủ lực, doanh nghiệp sẽ cam kết được chất lượng đối với khách hàng như dùng nguyên liệu nhựa an toàn, kết cấu sản phẩm chắc chắn, tính năng và giá trị của sản phẩm phải bền vững với thời gian”, ông Kiên nói.

Bên cạnh đó theo ông Kiên, doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý trị trường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc nhập lậu. Nhiều sản phẩm không có tem hợp quy vẫn được bày bán ngoài thị trường với giá rẻ, không có chứng nhận và người tiêu dùng không phân biệt được khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh vô cùng khó khăn

Cùng với đó, Nhà nước cần có chiến lược truyền thông cho người tiêu dùng nhận biết được giá trị thật của các mặt hàng đồ chơi, đâu là hàng sản xuất trong nước, đâu là sản phẩm nhập lậu. Các hành vi vi phạm, gian lận thương mại đối với mặt hàng này cần phải được xử lý nghiêm.

Thiếu một cơ quan đại diện, một tổ chức đại diện cho ngành đồ chơi là điều ông Nguyễn Trung Kiên trăn trở. Ông Kiên mong muốn có khu công nghiệp chuyên sâu về sản xuất đồ chơi, các doanh nghiệp đồ chơi tổ chức được một Hiệp hội trong ngành này để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, công nghệ và thị trường, dần từng bước đưa ngành đồ chơi Việt Nam có tiếng nói riêng trong khu vực và trên thế giới./.

Cùng loạt bài:

Thị trường đồ chơi trẻ em: Hàng ngoại lấn át hàng nội

Thị trường đồ chơi trẻ em: Hàng Việt sẽ thắng thế, nếu…