Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường trong khối này như Canada, Mexico, Peru… đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Điều này cho thấy CPTPP đã và đang góp phần quan trọng để mở rộng đường cho hàng Việt Nam sang thị trường các nước châu Mỹ vốn còn rất mới mẻ và nhiều tiềm năng.
Nhận định này được các chuyên gia và đại diện DN chia sẻ tại tọa đàm “Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/10. Số liệu thống kê thực tế cho thấy, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu sang Canada khoảng 5,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 75%. Tương tự với Mexico, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu quốc gia này khoảng 4,6 tỷ USD, tăng trưởng tới hơn 100% so với thời điểm trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Mỹ, nổi lên vẫn là nhóm hàng điện thoại và linh kiện; nhóm điện tử và máy vi tính; máy móc, phụ tùng chiếm khoảng và dệt may. “9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường Canada đã tăng trưởng tới trên 50% so với cùng kỳ năm 2021”, bà Võ Hồng Anh cho hay.
Từ góc độ DN, ngành hàng, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, Hiệp định CPTPP đã mang lại một số điểm thay đổi rất lớn đối với ngành da giày, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu. “Trước đây, khối DN tại các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam, nhưng đến nay con số này đã tăng lên mức hơn 14%.”, bà Xuân thông tin.
Ưu điểm lớn nhất của Hiệp định CPTPP cũng được bà Xuân đưa ra, đó chính là yêu cầu đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi. Điều này là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất. Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã được đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam trong thời gian qua.
“Trong quá trình đáp ứng các yêu cầu của CPTPP, năng lực nội tại của các DN da giày cũng đã được nâng lên rất nhiều. Cụ thể, các hoạt động về thủ tục xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chí, yêu cầu của thị trường xuất khẩu… đã khiến DN phải thay đổi trong đầu tư phát triển giai đoạn vừa qua”, bà Xuân cho biết.
Đại diện DN, cơ quan quản lý đánh giá cao mức độ tận dụng của các DN Việt Nam đối với những ưu đãi từ các thị trường châu Mỹ trong thời gian qua, tạo ra những bước tăng trưởng rất tốt, dư địa và tiềm năng để khai thác thị trường này vẫn còn lớn.
Tuy nhiên, khó khăn và trở ngại của DN khi tiếp cận thị trường châu Mỹ là địa lý bởi đây là khu vực mà có vị trí địa lý cách xa, khiến gia tăng chi phí và thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó, các DN còn gặp phải những thách thức về mặt tiêu chuẩn thị trường, đặc biệt là đối với các cái thị trường Bắc Mỹ.Như ý kiến của bà Võ Hồng Anh, dù cả 4 nước CPTPP tại khu vực châu Mỹ đều là những nước có độ mở nền kinh tế tương đối cao, đơn cử như Canada có tới 15 FTA hay Chile có tới 29 FTA… nhưng Việt Nam chưa tận dụng được những liên kết về về kinh tế này để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang những nước khác ở trong khu vực châu Mỹ.
Phân tích rõ hơn về điều này, bà Võ Hồng Anh cho rằng, các DN có thể xem xét, kết hợp, hợp tác sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nguyên phụ liệu sang Mexico, sau đó cùng hợp tác sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, tiếp tục xuất khẩu sang một nước khác mà Mexico có FTA. Trong điều kiện đáp ứng được quy tắc về mặt xuất xứ của các FTA , Việt Nam có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan với nước thứ 3.
“Đối với Chile và Peru là những nước có nền kinh tế có độ mở rất cao, nên thông qua hai nước này, Việt Nam có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước Nam Mỹ khác, bởi Chile họ có FTA với cả khối thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR”, bà Hồng Anh chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), với CPTPP, Việt Nam có tương đối nhiều lợi thế khi “một mình một chợ”. Bởi Các nước đối thủ cạnh tranh có những sản phẩm hàng hóa tương tự như Việt Nam ở khu vực ASEAN, châu Á chưa có FTA với các nước như Canada hay Mexico. Vì thế, những sản phẩm hàng hóa mà Việt Nam có lợi thế gần như có ưu thế tuyệt đối với ưu đãi thuế quan CPTPP.
Tuy nhiên theo bà Trang, những biến động về địa chính trị, các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến lợi thế của Việt Nam trong việc tận dụng CPTPP. “Lợi thế vẫn đang là một trong những ưu điểm của Việt Nam ở thị trường châu Mỹ, nhưng điều đó không kéo quá dài, nên các DN phải tận dụng mọi cơ hội ở thời điểm hiện tại, đồng thời chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn tới”, bà Trang khuyến cáo./.