Quãng hơn chục năm trở lại đây, ở Hà Nội bắt đầu có mốt mở hàng quán trang trí theo kiểu thời bao cấp ngày xưa. Ban đầu là một vài quán cà phê, quán ăn. Rồi sau thấy nhiều khách hàng hưởng ứng, nên trở thành phong trào. Có lẽ, cũng là một cách để nhiều người nhớ lại những kỷ niệm xưa… Đi trên phố bây giờ, gần như phố nào cũng thấy có quán treo biển: Cửa hàng mậu dịch; Quán ăn thời bao cấp; Cà phê bao cấp… từ mặt phố đến trong ngõ hẹp.
Chủ những quán cà phê thường kiếm những món đồ thời bao cấp như xe đạp, ca cốc, phích nước, băng rôn, khẩu hiệu… về trang trí cho quán. Còn với những quán ăn, họ thường cố gắng tái hiện lại những mâm cơm với những món đơn giản, thiếu chất dinh dưỡng thời bao cấp… Tất nhiên, những món ăn này ngon hơn gấp nhiều lần và hoàn toàn không hề giống với những món ăn thời bao cấp khi xưa. Mà tôi chắc chắn rằng, bây giờ còn rất nhiều người vẫn nhớ và thích thú với nhứng mô hình hoạt động này.
Có lẽ, ý tưởng của những người thành lập ra mô hình quán hàng đó, là để gợi nhớ về một thời đã qua, một giai đoạn lịch sử. Đánh vào đối tượng là những người sống bằng quá khứ. Giúp họ có được trải nghiệm lại về thời bao cấp khốn khó.
Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, tôi có dịp trò chuyện với nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, khi ấy là phóng viên của báo Hà Nội Mới. Hồi ấy, ông nổi tiếng vì gần như là người duy nhất có một bộ sưu tập khổng lồ các đồ vật thời bao cấp. Từ tem phiếu, sổ gạo, cho đến những vật dụng hằng ngày thời đó.
Là một người làm báo, và sưu tầm có mục đích, vừa là thoả mãn đam mê, lưu giữ ký ức cho riêng mình, vừa nhằm mục đích giúp những thế hệ sau muốn tìm hiểu về thời bao cấp, có cái nhìn rõ hơn về thời kỳ ấy. Với tôi, khi ấy, việc làm của ông rất đáng trân trọng. Không biết bây giờ, ông còn giữ được đam mê ấy nữa không?...
Trở lại câu chuyện những quán hàng mô phỏng thời bao cấp bây giờ. Có điều lạ, là khách hàng vào những nơi này, chủ yếu là các bạn trẻ, rất trẻ. Với độ tuổi của những người trẻ đó, tôi chắc chắn rằng họ không biết và không có khái niệm gì về cái thời, mà theo suy nghĩ riêng của tôi, kẻ cũng phải trải qua một giai đoạn trong cuộc đời sống ở cái thời kỳ đó, là đáng quên.
Giả sử, có anh chủ quán nào tiêu cực đến mức, làm đúng những món ăn thời bao cấp ngày xưa, mà rất nhiều người trong chúng ta đã phải trải qua. Chắc rằng chả mấy người dám ăn, dám uống.
Thời bao cấp, những người ở quê lại sướng hơn người ở thành phố. Nông dân, dù cuộc sống khó khăn, vất vả, nhưng chắc chắn vẫn được ăn những thứ do chính mình trồng, nuôi. Nhưng với chúng tôi, những đứa trẻ có bố mẹ là công nhân, cán bộ nhà nước, sống ở tập thể, ăn theo tem phiếu, mới là những người hiểu rõ nhất sự khổ sở mà những thứ lương thực thực phẩm thời ấy đem lại.
Nói vậy thôi, chứ tôi thì cũng chẳng có gì phản đối cách làm của những người chủ quán đó. Xét cho cùng, đó cũng là một mẹo kinh doanh để thu hút khách hàng, bất kể là đối tượng khách hàng trong độ tuổi nào.
Nhưng thế mới nói, những quán hàng đó chỉ mang lại những ký ức không trọn vẹn đối với những người như tôi, còn lại chỉ là gợi sự sự tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận khách hàng trẻ tuổi. Hoặc với những người lớn tuổi, đã sống trong thời kỳ đó, có thể, do thời gian đã trôi đi khá xa, nên người ta quên mất rằng mình đã từng sống khổ sở như thế nào? Nên muốn có lại cảm giác đó?
Còn với tôi, một cá nhân trong vô vàn con người đã sống qua thời kỳ bao cấp, đã phải ăn những bữa cơm gạo mốc, gạo mọt chỉ còn vỏ, độn với đủ thứ ngô, khoai, sắn, bo bo… Gần như cả năm chỉ được ăn một hai bữa thịt. Và phải cho vào bụng vô vàn những thứ quá hạn nhiều năm, chỉ để cho có cảm giác no bụng.
Thì có lẽ, chả bao giờ tôi muốn mình “được” sống lại, dù chỉ là cảm giác, của cái thời kỳ khổ sở đó, bằng cách bước chân vào một nơi nào có chữ “thời bao cấp”./.