Phân bón không đạt chất lượng hay phân giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ làm đất đai bạc màu, mà còn tác động xấu đến môi trường, mỗi năm phân bón giả gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước hàng tỷ USD.
ĐBSCL là vùng sản xuất lượng thực trọng điểm của cả nước, vì vậy nhu cầu sử dụng phân bón ở khu vực này cần khoảng 700.000 tấn/năm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận kinh tế mà những cá nhân, tổ chức đã bất chấp pháp luật đưa những loại phân kém chất lượng, thậm chí là phân giả ra thị trường.
Người nông dân không phân biệt được đâu là phân bón thật, phân bón giả và cuối cùng thiệt hại kinh tế lại do người nông dân gánh chịu. Việc ngăn chặn phân bón giả xuất hiện trên thị trường không những là trách nhiệm của ngành chức năng mà cần có sự phối hợp của cả đơn vị sản xuất.
Nông dân lo lắng vì không thể phân biệt được đâu là phân bón thật hay giả. |
Với hơn 2,5 ha chuyên sản xuất lúa giống ông luôn lo lắng về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nếu như không may sử dụng phải phân giả thì sản phẩm làm ra không đạt chất lượng và không thể làm lúa giống, thiệt hại kinh tế lại thuộc về gia đình.
“Người nông dân không bao giờ phân biệt được đâu là phân bón thật hay phân bón giả, phân kém chất lượng chỉ khi bón xuống ruộng cây lúa không phát triển được người dân mới biết. Các ngành chức năng cần phải làm mạnh, phải kiểm tra tận gốc, từ cơ sở sản xuất cho đến các công ty, đại lý. Có khi công ty làm đúng nhưng khi về đại lý vì tăng lợi nhuận nên cố tình vi phạm khiến hậu quả người dân phải gánh chịu”, ông Linh cho hay.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, mỗi năm hợp tác xã sản xuất 3 vụ, với diện tích sản xuất hơn 500 ha. Điều mà ông cũng như các xã viên luôn trăn trở trước nạn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả đang có chiều hướng gia tăng, làm cho đất bị suy thoái, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Chuyên sản xuất lúa giống mà gặp phải phân bón giả, kém chất lượng thì sản phẩm làm ra chắc chắn kém chất lượng.
“Bà con hoang mang về phân giả và thuốc giả, nên nhà nước cần cố gắng xử lý những loại phân bón giả cũng như điều hành giá phân bón sao cho cân bằng và ổn định thị trường”, ông Hùng cho biết.
Đã có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Trong đó, hành vi vi phạm phổ biến là thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng trong phân bón so với tiêu chuẩn công bố, đặc biệt là phân NPK.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ cho biết, phân bón giả, kém chất lượng làm cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây thiệt hại cho bà con nông dân mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung ứng chất lượng của các doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực đến chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
“Sở đang tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra để qua đó phát hiện được những phân bón kém chất lượng hoặc là phân bón giả, nhằm giúp cho thị trường ổn định và có cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề sản xuất, kinh doanh phân bón”, bà Kiều cho biết.
Phân bón có vai trò quan trọng quyết định năng suất cây trồng, việc sử dụng phân bón chất lượng và hiệu quả sẽ giúp cây trồng hấp thu, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, trước việc phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang hoành hành trên thị trường, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho đất nước mà người nông dân một nắng hai sương đang phải gánh chịu hậu quả của nạn phân bón giả.
Vì vậy, các ngành chức năng có liên quan cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, có những chế tài xử lý nghiêm minh, để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ kinh tế hội nhập./.
“Lợi ích nhóm” trong sản xuất và kinh doanh phân bón giả