Được biết, giá dầu đã tăng lên tới 139 USD/thùng vào tháng 3 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Bất chấp lời kêu gọi từ các nước phương Tây, các quốc gia thành viên OPEC+ vừa nhất trí tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày trong vào tháng 6 tới, phù hợp với mục tiêu hiện tại là nới lỏng các chính sách hạn chế sản lượng được thực hiện vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới nhu cầu năng lượng.

Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Liên minh châu Âu công bố kế hoạch loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga. Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đề xuất các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện từng bước lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong vòng từ 6/8 tháng.

OPEC cảnh báo các biện pháp trừng phạt Nga hiện nay và trong tương lai sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ nghiêm trọng và OPEC sẽ không bù đắp được lượng dầu thiếu hụt này.

Ông Viktor Katona, một chuyên gia phân tích về năng lượng nhận định: “OPEC thực sự không thể đánh giá một cách toàn diện những tác động mà các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ gây ra trong những tháng sắp tới. Không ai có thể dám chắc thực tế điều gì sẽ xảy ra, cũng như chúng tôi hiện cũng chỉ có thể dừng lại ở việc đưa ra giả định về các tình huống".

Đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng, cùng với đó là giá khí đốt trong nước cũng tăng cao, Mỹ liên tục kêu gọi OPEC sản xuất thêm dầu nhằm hạ nhiệt giá năng lượng vốn tăng mạnh thời gian qua– song không thành công, đồng nghĩa với việc nhiều người tiêu dùng hứng chịu thêm những thiệt hại./.